18/08/2009 - 08:08

Khủng hoảng tài chính toàn cầu và những gợi ý dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam

Ngày 17-8, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Khủng hoảng tài chính toàn cầu và những gợi ý dài hạn cho nền kinh tế chớm thị trường Việt Nam”, do Giáo sư James Riedel, Khoa Kinh tế quốc tế William L.Clayton, Trường Đại học Johns Hopkins - SAIS, Washington, DC, Mỹ trình bày, với sự tham gia của đại diện Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, các viện nghiên cứu về kinh tế và các vấn đề phát triển, một số trường đại học.

Toàn cầu hóa đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp trước tình trạng hỗn loạn vào giữa năm 2008. Chìa khóa cho thành công trong quá khứ là những thay đổi mang tính cơ cấu, ưu tiên hơn đến công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu và tăng trưởng trong khu vực phi nhà nước, nhất là đầu tư trực tiếp (chiếm 30% đầu ra sản xuất công nghiệp). Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn còn phát triển ở mức dưới tầm và không giống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn chưa tinh giản được khu vực công nghiệp quốc doanh. Sự tăng trưởng của các siêu cơ cấu như công nghiệp và nông nghiệp của nền kinh tế chưa kéo theo sự củng cố một cách đầy đủ các cơ sở nền tảng là hạ tầng kinh tế và xã hội theo nghĩa rộng.

GS. James Riedel cho rằng, Việt Nam không thể miễn dịch khỏi cuộc khủng hoảng nhưng cũng không cần một mô hình phát triển mới. Triển vọng “tháo cặp” khỏi các nước phát triển là thương mại bên trong châu Á và chuỗi cung cấp toàn cầu; thay thế tiêu dùng nội địa vào xuất khẩu như một nguồn trong tổng cung. Sự thiếu vắng các giải pháp thay thế có thể đứng vững gợi ý rằng Việt Nam cần nhân đôi nỗ lực một lần nữa, để bảo vệ tính cạnh tranh theo giá để đẩy xa hơn công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, tăng tính năng động của khu vực kinh tế tư nhân để thu hút đầu tư; tiếp tục thay đổi các cơ cấu cần thiết để tăng hiệu suất đầu tư; củng cố cơ sở hạ tầng theo nghĩa rộng. Việt Nam phải phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào cầu nội địa; tạo công ăn việc làm cho người lao động vẫn phải theo định hướng xuất khẩu và tận dụng cơ hội Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển những ngành công nghiệp mà nước này không còn thế mạnh trong tương lai.

HOÀNG MINH NGUYỆT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết