21/09/2015 - 10:01

NGÀY HỘI DU LỊCH SÔNG NƯỚC MIỆT VƯỜN PHONG ĐIỀN:

Không thu vé tham quan, đảm bảo chất lượng, giá cả sản phẩm, dịch vụ

 

Ngày hội du lịch sông nước miệt vườn Phong Điền là một trong hai hoạt động đang được thành phố xây dựng trở thành điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ (cùng với Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc của quận Thốt Nốt). Đây là năm đầu Ngày hội du lịch sông nước miệt vườn Phong Điền được nâng chất, mở rộng với nhiều hoạt động mới lạ.
Ngày hội sẽ diễn ra vào ngày 25- 26 tới đây. Xung quanh sự kiện này, PV Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với bà Trương Kim Khuyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

* Xin bà cho biết điểm nhấn của Ngày hội Du lịch sông nước miệt vườn Phong Điền năm nay?

- Ngày hội Du lịch sông nước miệt vườn Phong Điền được nâng chất và mở rộng quy mô từ sự kiện hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27-9) năm 2012. Năm nay, Ngày hội được nâng chất, mở rộng nhằm giới thiệu những nét đặc trưng của du lịch huyện Phong Điền nói riêng và Cần Thơ nói chung; đồng thời quảng bá các thương hiệu nông sản, trái cây đặc sản của địa phương, tạo điều kiện kết nối tour, tuyến với các công ty lữ hành.

Ngày hội diễn ra trong 2 ngày: 25 và 26-9, tại khu du lịch Lung Cột Cầu (ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa) với nhiều hoạt động: hội chợ, đua ghe chèo, hội thi ẩm thực, tạo hình nghệ thuật trái cây….

Điểm nhấn là 4 hoạt động chính: lễ khai mạc; diễu hành và trưng bày xe cổ; tái hiện chợ nổi trên sông kết hợp biểu diễn đờn ca tài tử; và không gian trưng bày, xúc tiến du lịch. Lễ khai mạc diễn ra ngày 26-9 với chương trình biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng công phu, nhấn mạnh những nét đặc trưng trong đời sống của người dân Tây Nam Bộ. Trước đó, đoàn xe cổ (khoảng 50 chiếc) sẽ diễu hành qua các tuyến đường từ quận Ninh Kiều, Cái Răng đến huyện Phong Điền và dừng chân, trưng bày tại khu du lịch Lung Cột Cầu. Chợ nổi sẽ được tái hiện sinh động với khoảng 20 chiếc ghe bày bán đủ các loại nông sản, trái cây, các loại chè, bánh dân gian. Du khách sẽ được đưa rước bằng ghe, len lỏi vào chợ nổi thu nhỏ để mua và thưởng thức những sản vật đặc trưng. Lên bờ, du khách sẽ tham quan các gian hàng ẩm thực dân gian, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo làm từ trái cây…; hoặc tham gia các trò chơi dân gian, đua ghe chèo, rất sôi nổi.

Ngày hội Du lịch sông nước miệt vườn Phong Điền không thu vé tham quan, du khách thoải mái tham gia các hoạt động cộng đồng và an tâm với chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, điểm đến mới- khu du lịch Lung Cột Cầu sẽ mang đến cho du khách những khám phá thú vị. Đây là vùng đất có di chỉ khảo cổ học Nhơn Thành, thuộc nền văn hóa Óc Eo với những tinh hoa nghệ thuật, làng nghề sản xuất gốm có từ rất xưa, gắn với quá trình hình thành nếp sống văn hóa, con người Phong Điền ngày nay.

Hội thi đua ghe chèo trong Ngày du lịch thế giới tổ chức tại huyện Phong Điền năm 2014.

* Hiện, Ngày hội đã được chuẩn bị như thế nào, thưa bà?

- Mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội đã cơ bản hoàn thiện và sẵn sàng. Sở VH, TT & DL, huyện Phong Điền và các đơn vị hữu quan có sự phối hợp chặt chẽ trong các khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức, đảm bảo ngày hội diễn ra chu đáo, an toàn, chất lượng.

Mỗi hoạt động diễn ra trong ngày hội đều có kịch bản cụ thể. Dọc các tuyến đường vào khu du lịch Lung Cột Cầu, các tuyến đường chính của huyện Phong Điền đều được tổng vệ sinh, trồng nhiều loại hoa kiểng… tạo không gian xanh, thoáng mát theo đúng tiêu chí "Sáng – Xanh – Sạch – An toàn". Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phân luồng các tuyến giao thông, đảm bảo lưu thông an toàn cho du khách.

Các món ăn, trái cây bày bán tại ngày hội đều được tuyển chọn từ những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Giá cả được niêm yết, tránh tình trạng "chặt chém". Dự kiến ngày hội năm nay đón khoảng 3.000- 4.000 lượt khách.

* Phong Điền có thế mạnh về du lịch sinh thái. Huyện làm gì để phát huy tiềm năng này, thưa bà?

- Huyện định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường. Huyện đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch phát huy tiềm năng du lịch, trong đó có định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trở thành huyện phát triển thương mại- dịch vụ- du lịch. Bên cạnh đó, để sản phẩm du lịch phong phú, chúng tôi đang từng bước phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh, khám phá di chỉ khảo cổ học.

Nhiều năm qua, huyện đã phối hợp với Dự án EU, Sở VH, TT & DL tổ chức nhiều khóa tập huấn về du lịch có trách nhiệm cho các hộ kinh doanh du lịch; triển khai chương trình cho vay KFW từ nguồn vốn của Cộng hòa liên bang Đức đến các doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ; tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm cho các hộ nông dân làm du lịch. Bên cạnh đó, UBND huyện đã ký kết với Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ về "Hợp tác phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới". Trước đó, UBND thành phố quy hoạch huyện Phong Điền trở thành đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái mang nét đặc trưng vùng ĐBSCL (từ đây đến năm 2020) và kêu gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Phong Điền (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) với quy mô khoảng 1.000 ha. Huyện Phong Điền có 4- 5 đề tài nghiên cứu về phát triển du lịch. Chúng tôi đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng xây dựng môi trường du lịch xanh, thân thiện.

* Xin cảm ơn bà!

ÁI LAM (Thực hiện)

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến- Thương mại- Du lịch huyện Phong Điền, 9 tháng đầu năm 2015, Phong Điền đón trên 468.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 37.000 lượt, doanh thu du lịch đạt trên 47 tỉ đồng.

Một số điểm tham quan nổi bật của Phong Điền: Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Làng du lịch Mỹ Khánh, khu di tích lịch sử Giàn Gừa, vườn trái cây Vàm Xáng, khu du lịch Lung Cột Cầu, chợ nổi Phong Điền, vườn ca cao Mười Cương, cơ sở sản xuất bánh hỏi mặt võng Út Dzách…

Chia sẻ bài viết