Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT, đảm bảo tài sản và tính mạng của người dân. Quan trọng hơn đã giúp người tham gia giao thông hình thành ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng, theo bức xúc của nhiều người dân, việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông do lỗi “chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước
”, trong Điều 1, mục 1.2.a (Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) còn quá cứng nhắc.
 |
Người điều khiển phương tiện xe gắn máy sẽ bị xử phạt vi phạm luật ATGT đường bộ nếu như chạy xe lấn làn đường quy định. Ảnh: B. NG |
Theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông chuyển làn đường không đúng quy định bị phạt là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện giao thông chạy đúng làn đường, muốn qua đường (có mở đèn xi nhan báo hiệu xin qua đường) nhưng qua sớm hơn, lấn làn đường, bị xử phạt, liệu có cứng nhắc? Anh Nguyễn Kiên G. (ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều), kể: “Khoảng trưa ngày 7-2 (mùng 8 Tết âm lịch), tôi lưu thông trên đường 30-4 (hướng từ cầu Cái Răng về trung tâm thành phố), đến ngã ba đường Trần Hoàng Na (cách khoảng chục mét), tôi mở đèn xi nhan, chầm chậm di chuyển xe sang trái để qua đường nhưng Đội cảnh sát trật tự cơ động- Công an quận Ninh Kiều yêu cầu dừng xe và xử phạt lỗi lấn làn xe”. Lực lượng này cho rằng, người điều khiển phương tiện giao thông phải chạy đến trụ đèn tín hiệu giao thông hoặc đến ngã ba, ngã tư mới được phép báo hiệu đèn sang đường, không được qua sớm dù cách đó khoảng chục mét. Anh G. bức xúc: “Xử phạt người vi phạm luật ATGT không nên quá cứng nhắc. Bởi, nếu người điều khiển phương tiện giao thông đến sát trụ đèn giao thông hoặc đến ngã ba, ngã tư mới chuyển làn đường là rất nguy hiểm. Vả lại, người điều khiển phương tiện giao thông đã cẩn thận mở đèn xe báo hiệu xin qua đường”. Tương tự, một phụ nữ ở quận Cái Răng (bị phạt lỗi vi phạm luật ATGT đường bộ giống như anh G.), nói: “Khi tham gia giao thông, tôi rất lo xảy ra tai nạn nên điều khiển xe rất cẩn thận, chậm và kỹ lưỡng. Vì vậy, khi bị xử phạt vì lỗi vi phạm này, tôi rất ấm ức!”.
Thực tế, có chứng kiến cảnh lực lượng an ninh trật tự, cảnh sát giao thông, nhất là lực lượng Đội cảnh sát trật tự cơ động - Công an quận Ninh Kiều xử phạt người vi phạm luật ATGT trưa 7-2 tại chốt ngã ba đường Trần Hoàng Na (quận Ninh Kiều), sẽ thấy sự bất hợp lý trên. Một vài người điều khiển phương tiện giao thông, gần trụ đèn tín hiệu giao thông đến ngọn đèn xanh đèn đỏ khoảng chục mét, đều có mở đèn xi nhan xe và chầm chậm chuyển sang trái đều bị lực lượng an ninh trật tự bắt lỗi vi phạm lấn làn đường. Mặc dù, một số người bị bắt lỗi vi phạm cố gắng giải thích cũng không “thuyết phục” được lực lượng an ninh trật tự.
Trong các quy định về luật ATGT đường bộ như Nghị định số 71, Nghị định số 34 đều không quy định cụ thể về việc phạt người vi phạm luật ATGT đường bộ lấn làn đường nếu chỉ cách ngã ba, ngã tư hoặc đèn xanh đèn đỏ khoảng chục mét. Nhiều người cho rằng, họ chấp nhận nộp phạt tiền nếu như vi phạm lỗi về vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường
vì lỗi này có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao cho bản thân và người khác. Nhưng việc phạt lỗi người vi phạm luật ATGT đường bộ như trên là quá cứng nhắc, nhất là sẽ không tạo được lòng tin cũng như tâm lý hoang mang, bức bối của người tham gia giao thông khi bị xử phạt vi phạm luật ATGT đường bộ về lỗi trên. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc xử lý vấn đề này cho hợp tình, hợp lý hơn.
NG.NGÂN