* Sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số
Chiều 27-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đề nghị của Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai Luật thuế Thu nhập cá nhân (TTNCN).
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động nhanh, rõ rệt đến nền kinh tế nước ta trên nhiều mặt theo chiều hướng xấu. Nhằm đảm bảo việc thực hiện mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2009 mà Quốc hội đã thông qua, trong đó nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách là tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã thống nhất tổ chức ngay 21 giải pháp ở các lĩnh vực phù hợp với diễn biến mới của tình hình.
Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét việc triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực từ 1-1-2009), và đưa ra hai phương án: Một là hoãn thời điểm áp dụng Luật TTNCN từ 6 tháng hoặc 1 năm. Trong thời gian hoãn thi hành Luật vẫn tiếp tục áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập cao, đồng thời giảm 30% số thuế phải nộp đối với các đối tượng phải nộp trong năm 2009. Hai là miễn TTNCN năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, gồm thu nhập từ cổ tức, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng góp vốn và tiền lãi cho vay. Đồng thời giảm 30% TTNCN đối với các hộ gia đình và cá nhân sản xuất kinh doanh trước đây thuộc diện phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng từ 1-1-2009 chuyển sang nộp TTNCN. Thời gian miễn giảm thuế là 1 năm.
Về việc lùi thời điểm có hiệu lực thi hành, miễn giảm thuế TNCN đối với một số đối tượng, thường trực Ủy ban Quốc hội đề xuất quan điểm triển khai áp dụng thuế TNCN theo đúng quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. Tiếp đó căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, xem xét quyết định về những đề xuất miễn, giảm, hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong việc nộp thuế TNCN.
Tại buổi họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung bàn thảo về các vấn đề liên quan đến việc hình thành nguồn vốn Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn và đối phó với tình hình suy giảm kinh tế; vấn đề điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án trong danh sách nhóm công trình dự án đầu tư trọng điểm đã được duyệt và các giải pháp triển khai Thuế TNCN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận cuộc họp đã khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã có báo cáo kịp thời và triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ đoàn kết hợp sức cùng Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giải ngân số vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ còn tồn từ năm 2008 sang hết tháng 6 năm 2009, đồng thời rà soát và thúc đẩy việc xây dựng các công trình bức thiết có hiệu quả sử dụng cao. Yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ cấu, tổng vốn của Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn và đối phó với tình hình suy giảm kinh tế, trong đó xác định rõ số vốn từ ngân sách nhà nước; tăng cường công tác dự báo tình hình sẵn sàng đối phó với những diễn biến thực tế; Luật TTNCN vẫn sẽ được thực hiện theo đúng thời điểm đã công bố, đồng thời sẽ báo cáo Quốc hội xem xét một trong hai phương án mà Chính phủ đã đề nghị, hoặc cho áp dụng từ 1-1-2009 nhưng giãn nộp thuế 10 tháng cho tất cả các đối tượng, và các loại thu nhập chịu thuế và quyết định cuối cùng là của Quốc hội.
* Trước đó, sáng 27-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung điều 10 của Pháp lệnh dân số và Chương trình công tác năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Điều 10 của Pháp lệnh dân số 2003 “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con” sẽ được sửa theo phương án thứ nhất mà Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra là: “Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản ...”, trong đó tại điểm b, khoản 1 nêu rõ: Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền, nghĩa vụ quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; Sinh 1 2 con trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Các thành viên Ủy ban cũng nhất trí về thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực thi hành là 1-2-2009.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định việc sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số là cần thiết, nhằm nêu rõ thông điệp của Việt Nam là tiếp tục kiểm soát quy mô dân số, xây dựng quy mô gia đình 1-2 con, làm rõ nghĩa vụ thực hiện cuộc vận động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của mỗi cặp vợ chồng, mỗi cá nhân. Nội dung sửa đổi cũng được căn cứ vào điều kiện thực tế của Việt Nam và phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cùng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm các mặt công tác: Xây dựng pháp luật; Giám sát; Chỉ đạo việc chuẩn bị để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng; công tác đối ngoại; công tác dân nguyện; hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện làm việc của Đại biểu Quốc hội; tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; công tác tổ chức bộ máy và thực hiện các mối quan hệ công tác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua dự kiến Chương trình các phiên họp thường kỳ (từ phiên thứ 16 đến phiên thứ 26) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2009.
XUÂN KHU - PHÚC HẰNG (TTXVN)