26/09/2008 - 07:56

Không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 những dự án luật không đảm bảo chất lượng

* Tạo cơ chế pháp lý đồng bộ trong lĩnh vực bồi thường nhà nước

* Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 8

Tiếp tục phiên họp thứ 12, sáng 25-9, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2009; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008.

Theo tờ trình của Chính phủ: chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 dự kiến gồm: 54 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 44 dự án trong Chương trình chính thức (36 dự án luật, 08 dự án pháp lệnh) và 11 dự án trong Chương trình chuẩn bị. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung 5 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2008.

Tán thành với dự kiến chương trình của Chính phủ, UB Pháp luật trong báo cáo thẩm tra và coi đây là những định hướng cơ bản cho việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Ủy ban pháp luật cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 cần ưu tiên các dự án còn lại thuộc Chương trình năm 2008, các dự án cần được ban hành để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các dự án về ngân hàng, tín dụng; các dự án liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các dự án được ban hành để thực hiện các cam kết quốc tế.

Cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, đa số ý kiến đều cho rằng, nên ưu tiên các dự án liên quan đến kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các dự án về ngân hàng, tín dụng; các dự án liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

Về một số dự án Luật được nâng lên từ các pháp lệnh hiện hành như Luật dân số, Luật lưu trữ, Luật người tàn tật, Luật đo lường, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH đề nghị tiếp tục quán triệt nguyên tắc trình QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII là đối với các dự án luật được đề xuất nâng lên từ pháp lệnh, nếu có nội dung mới và thực sự cần thiết thì đưa vào chương trình, còn nếu chỉ sửa đổi để nâng cao hiệu lực pháp lý hoặc sửa đổi có tính kỹ thuật thì tạm thời chưa đưa vào chương trình hoặc nếu đưa vào thì để ở chương trình chuẩn bị.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, sau phiên họp này, Ủy ban TVQH cùng với Bộ Tư pháp tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp để báo cáo tại kỳ họp thứ 13 của Ủy ban TVQH. Phó Chủ tịch đề nghị, đối với các dự án chuẩn bị kỹ và những dự án bức xúc về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, giám sát đầu tư xây dựng cơ bản...nên đưa vào chương trình năm 2009; Những dự án không đảm bảo chất lượng, kiên quyết không đưa vào chương trình và yêu cầu chuẩn bị lại...

m Chiều 25-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến và dự án Luật Bồi thường Nhà nước.

Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước gồm 6 chương và 56 điều quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Nhà nước là: quản lý hành chính nhà nước; tố tụng và thi hành án.

Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, mà không phân biệt cá nhân, tổ chức là trong nước hay ngoài nước. Dự thảo Luật quy định cụ thể các loại thiệt hại được bồi thường, bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị xâm phạm quyền tự do thân thể hoặc tính mạng, sức khỏe; thiệt hại về vật chất trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại về vật chất trong trường hợp bị tổn hại về sức khỏe.

Thảo luận về nội dung hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 46 của dự thảo Luật thì người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có trách nhiệm hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về vấn đề này ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành về nguyên tắc người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, quy định phải bồi hoàn toàn bộ là không khả thi và không phù hợp với quy định tại Điều 619 và Điều 620 của Bộ luật Dân sự, theo đó cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.

Về trách nhiệm bồi thường nhà nước trong lĩnh vực lập pháp, lập quy, đại biểu Trần Thế Vượng tán thành với Tờ trình của Chính phủ với nội dung hoạt động lập pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đại biểu cũng thống nhất với việc không quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước trong lĩnh vực lập quy.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là dự án luật khó và phức tạp và đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát, xây dựng cụ thể để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật.

* Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XII, trong hai ngày 25 và 26-9 tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 8, tập trung vào các nội dung: Thẩm tra Dự án Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; giám sát tình hình thực hiện kinh phí 6 tháng đầu năm 2008 và dự toán ngân sách 2009 của Bộ Ngoại giao; nghe báo cáo về tình hình thế giới, công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2008 và phương hướng hoạt động năm 2009.

Thảo luận về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Nhà nước ta từ đầu năm đến nay, nhiều ý kiến cho rằng: Do hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế nước ta chịu nhiều ảnh hưởng trước diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, nhất là lạm phát tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng tăng, thị trường chứng khoán suy giảm. Mặc dù tác động trực tiếp không nhiều và các biện pháp đối phó quyết liệt của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta không được chủ quan, xem nhẹ các tác động dây chuyền, gián tiếp. Cụ thể như: nhu cầu giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, khó khăn về nguồn vốn sẽ tác động không thuận đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án đầu tư...

LƯU THỊ THOAN - QUỲNH HOA - N.T.S (TTXVN)

Chia sẻ bài viết