21/02/2024 - 11:19

Khởi nghiệp từ cây giống cấy mô 

Chị Bùi Thị Kim Thanh (30 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã dành tâm huyết nghiên cứu quy trình nhân giống thành công nhiều loại cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, đem lại thu nhập khá.

Chị Thanh (bên phải) thực hiện công đoạn cấy chuyền.

Dẫn chúng tôi tham quan phòng thí nghiệm, nơi suốt 4 năm qua chị Thanh miệt mài nghiên cứu quy trình nhân giống cây trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô cho trên 30 loại giống cây trồng, cây cảnh. Để có cơ ngơi như hôm nay, hai vợ chồng chị đã đầu tư cho cơ sở vật chất và nghiên cứu quy trình nhân giống nuôi cấy mô lên đến hơn 2 tỉ đồng. Chị Thanh kể, chị cùng chồng là nghiên cứu viên công tác tại Bộ môn Công nghệ sinh học, sinh lý, sinh hóa và sau thu hoạch thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam. Năm 2019, chị xin nghỉ việc, dốc hết tiền túi để mở trang trại nhân giống cây trồng mang tên Cây giống - Cây cấy mô 5Q. Chị đảm trách quy trình nhân giống cây trồng, chồng chị sau giờ làm tại Viện sẽ hỗ trợ chăm sóc cây ở nhà lưới.

“Cây giống cấy mô có 3 ưu điểm là chuẩn giống, sạch bệnh và tạo ra sản lượng lớn với chất lượng đồng đều nên được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, thời gian trước do ít người làm nên người dân địa phương chưa tiếp cận được với nguồn cây giống cấy mô sạch bệnh, uy tín. Từ đó đã thôi thúc tôi khởi nghiệp, mong muốn mang lại giá trị cho xã hội thông qua giảm chi phí sản xuất, cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng cho nông dân”, chị Thanh cho biết.

Tuy có kinh nghiệm, nhưng ban đầu gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều giống cây chị chưa hề nghiên cứu qua. Để đưa ra những loại cây giống nuôi cấy mô chất lượng, chị phải làm lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu thí nghiệm mới ra được quy trình đúng chuẩn. Hiện tại, trang trại của chị đã nhân giống thành công trên 30 loại cây trồng như khóm MD2, hoa cúc, hoa lan (phi điệp, dendro) và nhiều loại cây kiểng lá có giá trị cao. Để có được sản phẩm cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp, gồm: tìm nguồn cây mẹ sạch bệnh, chất lượng tốt để nhập mẫu, khử trùng; tiến hành tạo chồi, nhân số lượng chồi; cấy chuyền, tách từng cây trong giai đoạn nhân chồi ra; cấy ra rễ; đưa cây ra ngoài vườn ươm.

Theo chị Thanh, các bước khử trùng mẫu, tạo chồi, nhân nhanh số lượng, cấy rễ được thực hiện trong phòng cấy mô (môi trường in vitro) được thực hiện trong thời gian dài từ vài tháng đến hơn 1 năm. Để khử trùng mẫu, chị phải thử nhiều loại hóa chất, thử thời gian, thận trọng trong từng thao tác để đảm bảo mẫu sạch bệnh, không bị nhiễm nấm, không bị nhiễm khuẩn, đồng thời phải sống khỏe. “Khi cây đã cấy mô, đến khi đưa cây ra vườn ươm phải cần chăm sóc từ 1,5-3 tháng (tùy giống) mới có thể xuất bán. Từ lúc ra rễ trong phòng cấy mô đến khi ra môi trường nhà lưới, tùy từng loại cây mà tỷ lệ sống dao động từ 80% trở lên”, chị Thanh cho biết.

Mỗi năm, chị xuất bán ra thị trường khoảng vài chục ngàn cây giống cấy mô các loại. Sắp tới, chị sẽ tăng sản lượng từ 300.000-400.000 cây/năm. Ngoài ra, chị sẽ làm hoàn thiện sản phẩm cấy mô các giống lan phi điệp, khóm MD2 và một số kiểng lá để tham gia bình chọn, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Sản phẩm của chị được người dân địa phương ưa chuộng, chọn mua bởi chất lượng tốt, giá bán thấp hơn so với mặt hàng cùng loại trên thị trường. Chẳng hạn như đối với mặt hàng hoa cúc đồng tiền, sản phẩm được cung cấp từ TP Đà Lạt về đến Tiền Giang có giá bán khoảng 5.500-6.000 đồng/cây, tại cơ sở của chị giá bán chỉ có 4.000-4.500 đồng/cây; cây sống đời nhiều nơi bán giá khoảng 4.000 đồng/cây thì chị chỉ bán giá 3.000 đồng/cây… Nhờ cạnh tranh giá tốt, chất lượng đảm bảo đã thu hút nhiều khách hàng đến mua, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình chị.

Hiện chị Thanh còn giải quyết việc làm cho 4 lao động trẻ với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho người lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập từ 200.000-350.000 đồng/người/ngày.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

 

Chia sẻ bài viết