07/06/2010 - 20:58

THÀNH LẬP MỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI CẦN THƠ

Khơi đúng “luồng”, nhưng cần tháo gỡ nhiều khó khăn

Tháng 4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học (ĐH) Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ. Tiếp theo đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã làm tờ trình gửi lãnh đạo thành phố về việc thành lập Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ Nông nghiệp Cần Thơ, trên cơ sở nâng cấp trường. Việc có thêm các trường ĐH này sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc phát triển của TP Cần Thơ và ĐBSCL. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế...

* Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo

Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, cho biết: “Khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, chúng tôi đã tập trung chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nhân lực đến chương trình đào tạo... Theo đó, đơn vị sẽ tranh thủ sự hỗ trợ toàn diện, nhất là nhân lực từ Trường ĐH Cần Thơ và các trường ĐH liên kết”. Vừa qua, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ đã đưa vào sử dụng khối nhà B thuộc công trình “Mở rộng Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ”. Khối nhà này được xây dựng 3 tầng, gồm: 4 phòng học, 1 phòng thiết bị, 1 phòng thực hành điện, điện tử... phục vụ cho cán bộ, sinh viên thực hành, thực tập. Trung tâm đã xúc tiến nhanh các thủ tục, công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy... để hoàn tất các thủ tục, sớm chuyển thành Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ vào tháng 9-2010.

Cán bộ, giảng viên Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đang tư vấn chương trình học cho sinh viên. 

Theo đề án, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ trong tương lai sẽ có qui mô đào tạo trên 12.000 sinh viên vào năm học 2014-2015. Trường sẽ đào tạo các nhóm ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghiệp,... Trong đó, ưu tiên đào tạo nhóm ngành công nghệ thông tin, bởi trang thiết bị và đội ngũ cán bộ giảng viên của Trung tâm hiện nay có thể đáp ứng 100% nhu cầu đào tạo các ngành này. Theo tiến sĩ Dương Thái Công, lộ trình của trường sẽ tập trung đào tạo hệ chính qui, giảm dần hệ không chính qui. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, trường vẫn duy trì và tăng cường hệ liên kết đào tạo để vừa tạo nguồn thu, vừa học tập kinh nghiệm quản lý đào tạo từ các trường ĐH khác.

Tương tự, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã làm tờ trình UBND TP Cần Thơ để xin chủ trương cho phép lập đề án nâng cấp thành Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ Nông nghiệp Cần Thơ. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Trường đang kiện toàn cơ sở vật chất, đẩy mạnh tiến độ xây dựng ký túc xá sinh viên, triển khai dự án xây dựng thư viện điện tử, nhà thi đấu đa năng, trại thực nghiệm... để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên”. Nếu được UBND TP Cần Thơ chấp thuận, dự kiến cuối năm 2011, trường sẽ xây dựng xong đề án trình xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và mời các Bộ, ngành có liên quan thẩm định. Trường sẽ tập trung đào tạo các ngành ở lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, với qui mô đào tạo khoảng 9.000 sinh viên vào năm 2015.

Bên cạnh ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ thì ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, ĐH Kinh tế - Công nghệ Nông nghiệp Cần Thơ được thành lập trong tương lai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con em những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học ở bậc học cao hơn. Đồng thời, các trường này góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp vùng ĐBSCL. Đây là tín hiệu vui, nhưng bên cạnh niềm vui này vẫn còn chứa đựng những khó khăn, trăn trở...

* Những khó khăn cần tháo gỡ

Theo tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, tuy trung tâm đã có bề dày gần 30 năm phát triển nhưng do đặc thù là liên kết đào tạo nên nguồn cán bộ giảng dạy chủ yếu là của các trường ĐH liên kết. Vì thế, trung tâm vẫn còn thiếu cán bộ cơ hữu, nhất là ở lĩnh vực công nghệ. Trung tâm hiện có 90 giảng viên, số giảng viên có trình độ sau đại học là 26 người (có 3 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh). Với nguồn cán bộ hiện có, trung tâm chỉ đủ sức đáp ứng nhu cầu trước mắt. Tiến sĩ Dương Thái Công phân tích: “Khi thành lập, năm học đầu tiên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ sẽ đào tạo 6-7 ngành, mỗi ngành 1 lớp. Mỗi lớp có từ 60-80 sinh viên. Như vậy, trường phải có thêm 10 cán bộ cho mỗi chuyên ngành và sẽ cần có ít nhất 70-80 cán bộ giảng dạy. Đây mới là “hạt nhân” trong giai đoạn đầu trường đi vào hoạt động đào tạo”.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, cũng thừa nhận nguồn nhân lực là vấn đề khó khăn của trường khi nâng cấp lên thành trường ĐH. Bởi so với qui định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học” thì giảng viên có trình độ sau ĐH vẫn còn hạn chế. Trường hiện chỉ có 2 tiến sĩ và 7 nghiên cứu sinh. Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, với một trường ĐH, nguồn nhân lực rất quan trọng nhưng hầu như các trường mới thành lập đều gặp khó, vì phải có nguồn đưa đi học; người đi học phải mất một vài năm mới đạt học vị tiến sĩ... Trong khi đó, đời sống vật chất của giảng viên ở trường chỉ đáp ứng đủ cho cuộc sống nên đầu tư cho việc học còn hạn chế; kinh phí của trường đầu tư cho cán bộ đi học có giới hạn.

Công bằng mà nói, vấn đề nhân lực luôn là nỗi lo chung của các trường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 23 năm qua, quy mô đào tạo của các trường trên cả nước tăng gần gấp 13 lần nhưng cán bộ, giảng viên chỉ tăng hơn 3 lần. Số cán bộ có trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và ĐBSCL cũng không ngoại lệ. Một vấn đề khác cũng khiến lãnh đạo các trường “đau đầu” là cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập. Tiến sĩ Dương Thái Công cho biết: “Đối với một trường ĐH đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ, đòi hỏi phải trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm cơ bản, trang thiết bị thực hành thực tập để đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nhưng, trung tâm hiện nay vẫn chưa có phòng thí nghiệm thực hành phục vụ cho sinh viên, giảng viên”. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã cho biết: “Tốc độ triển khai các công trình, dự án xây dựng của trường vẫn còn chậm so với yêu cầu, nhất là dự án xây dựng Trại thực nghiệm vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, trường còn thiếu khu thực hành, thực tập cho sinh viên ở lĩnh vực kỹ thuật nông nghiệp, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học... Để các trường phát triển bền vững, thực hiện tốt chức năng đào tạo rất cần sự hỗ trợ của thành phố, các sở, ban ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, như: bồi hoàn giải phóng mặt bằng, trang bị một số phòng thí nghiệm thực hành, thực tập...”.

***

TP Cần Thơ hiện có 2 trường ĐH công lập là ĐH Cần Thơ và ĐH Y Dược Cần Thơ. Việc thành lập mới các trường ĐH là nhu cầu cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Song, để các trường này làm tốt công tác đào tạo sau khi trở thành trường ĐH thì rất cần sự tiếp sức của Trung ương, lãnh đạo các sở, ngành thành phố...

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết