Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của cả nước mà còn là "vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu", có tiềm năng thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm và phát triển du lịch đặc thù miệt vườn sông nước Mê Kông. Theo các chuyên gia, đây là những điểm sáng để tăng thu hút đầu tư cho vùng trên cơ sở khơi dậy những tiềm năng sẵn có.
* Những điểm sáng
|
Tàu container của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cập Cảng Tân Cảng - Cái Cui để chờ xếp dỡ hàng hóa. Ảnh: M.HUYỀN |
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tiềm năng kinh tế của vùng ĐBSCL dựa trên 3 trụ cột chính là: nông nghiệp, thủy sản; vị trí địa kinh tế; dân số và lao động. Nông nghiệp phát triển đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế của những sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch được chú trọng và đi vào khai thác các thế mạnh của vùng về công nghiệp chế biến nông sản. Bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, điện và cơ khí, đầu tư khai thác các giá trị du lịch đặc thù miệt vườn sông nước Mê Kông. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, sự thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp, vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp được tăng cường. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả vùng có nhiều điểm sáng. ĐBSCL còn là khu vực năng động có nhiều doanh nghiệp khối tư nhân tập trung trong ngành nông nghiệp, chế biến lương thực, thủy sản.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia hội thảo quốc tế về "Phát triển ĐBSCL" vào tháng 11-2016 tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
Hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL đã và đang được đầu tư ngày càng hoàn thiện cả về giao thông thủy, bộ và hàng không. Tại Lễ khai trương Cảng Tân Cảng-Cái Cui-TP Cần Thơ vào đầu tháng 12 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Trương Quang Nghĩa, cho biết: Ngày 28-10-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt "Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030". Trong đó, các cảng biển khu vực ĐBSCL thuộc nhóm cảng biển số 6 và đóng vai trò then chốt trong sự phát triển giao thông của vùng. Nhóm cảng biển này tạo tiền đề quan trọng để hình thành hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, tổ chức hiệu quả quá trình vận tải trong khu vực, nâng cao hiệu quả sử dụng đối với mạng lưới giao thông nội vùng và liên vùng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm khu vực Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Khi Cảng Tân Cảng-Cái Cui đi vào hoạt động cũng đồng thời đánh dấu sự kiện luồng Quan Chánh Bố chính thức khai thông cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, ĐBSCL vẫn còn đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển. Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông, thủy lợi của vùng được quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, kinh tế vùng phát triển chưa thực sự bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Nông nghiệp là thế mạnh của vùng song phải chịu những tác động khó lường của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, sinh kế của nông dân.
*Biến thách thức thành cơ hội
Trong chuyến thăm và làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, bày tỏ ấn tượng sâu sắc với sự phát triển của vùng ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Christian Berger chia sẻ: "Thời gian qua, các lĩnh vực đầu tư hợp tác của Đức tại ĐBSCL bao gồm chương trình quản lý hạ tầng ven biển, quản lý nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ thiết bị y tế, thúc đẩy bình đẳng giới, hợp tác về giáo dục đào tạo. Hiện nay, Cộng hòa Liên bang Đức và Australia có chương trình liên kết hợp tác giữa 2 Chính phủ để hỗ trợ Việt Nam mà cụ thể là tại ĐBSCL trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Lẽ đó, tôi rất muốn tìm hiểu thêm về những chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu, về những thách thức vùng đang phải đối mặt và đề xuất những giải pháp để giải quyết những thách thức này". Theo ông Christian Berger, ĐBSCL muốn phát triển bền vững, cần kiểm soát dòng chảy trên các sông bằng nhiều giải pháp. Bởi lẽ, việc xây dựng các đập nước ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông sẽ tạo ra các tiền lệ và làm phát sinh nhiều vấn đề khác nhau. Do đó, cần hướng đến các hành động cụ thể như khai thác hợp lý tài nguyên nước, trồng lại rừng, duy trì dòng chảy ổn định
xem đây là những vấn đề lâu dài và phải thực hiện ngay từ bây giờ để các thế hệ mai sau được hưởng lợi.
Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư ở các địa phương trong vùng ĐBSCL đều có chung đánh giá đây là khu vực kinh tế năng động và có nhiều điểm sáng. Khi đến Cần Thơ tham dự Hội thảo quốc tế về "Phát triển ĐBSCL" vào trung tuần tháng 11-2016, ông Hyun Lee, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: "ĐBSCL là trung tâm nông sản của Việt Nam và có nguồn lao động phong phú. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ đầu tư xây dựng Vườn ươm Công nghệ-Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Do đó, chúng tôi sẽ phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối đưa nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung để cùng xây dựng mối liên kết đầu tư lâu dài và bền vững".
ĐBSCL có tiềm năng, thế mạnh và vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, là nguồn cung mang tính quyết định cho thị trường nông sản, kể cả nguồn cung lao động. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chia sẻ: Việc tăng cường hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch theo các chuỗi giá trị sẽ mang lại ý nghĩa to lớn cho vùng ĐBSCL. Các địa phương trong vùng cần rà soát, chọn ra những nội dung cụ thể để hợp tác đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác. Cần rà soát, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, nhất là đối với các lĩnh vực như: chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản và vận chuyển hàng hóa, nông sản sau thu hoạch, hậu cần logistics. Ngoài nỗ lực của các địa phương trong quá trình thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đề nghị các bộ ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đặc thù cho vùng ĐBSCL nhằm tăng sức hút và khai thác hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư.
MINH HUYỀN