07/07/2020 - 08:25

Khơi dậy nghiên cứu sáng tạo trong sinh viên 

Hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu bằng năng lực và kiến thức chuyên môn, nhiều sinh viên Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã có các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích. Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập và góp phần cùng nhà trường tạo nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo.

PG.TS Trần Thị Thanh Hiền trao giải Nhất cho 3 chủ nhiệm công trình NCKH Trường ĐHCT năm 2020. Ảnh: CTV

ua hơn 54 năm phát triển, Trường ÐHCT không chỉ là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng ÐBSCL và cả nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2019, sinh viên nhà trường đã thực hiện 700 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), với tổng kinh phí gần 11,5 tỉ đồng. Phần lớn các đề tài có tính ứng dụng cao, đạt nhiều giải thưởng NCKH các cấp như Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; Holcim Prize (sau này đổi tên thành Insee Prize)... Năm nay, qua thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, nhà trường đã chọn được 16 trong 29 công trình NCKH của sinh viên có giá trị để trao Giải thưởng “Sinh viên NCKH” Trường ÐHCT.

Tại Hội nghị Sinh viên NCKH năm 2020 do Trường ÐHCT tổ chức vừa qua, đại diện tác giả, nhóm tác giả các đề tài đoạt giải đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu hữu ích. Ðiển hình như đề tài “Cải tiến ứng dụng tư vấn tuyển sinh Trường ÐHCT trên nền android” do nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông thực hiện. Mục tiêu đề tài phát triển ứng dụng di động để hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của trường hiệu quả hơn, với các chức năng: cung cấp thông tin tuyển sinh trực quan, dễ tìm kiếm trên điện thoại thông minh, cá nhân hóa dữ liệu thông tin người dùng cung cấp… Trần Văn Ngoãn, đại diện nhóm tác giả, cho biết: Hằng năm có hàng chục ngàn thí sinh dự tuyển vào trường và phần lớn sử dụng điện thoại thông minh, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này để giúp thí sinh tiếp cận thông tin tuyển sinh của trường dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời tiết kiệm công sức và chi phí thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh của trường. Hiện ứng dụng đã tích hợp thêm một số tính năng như nhập liệu bằng giọng nói trong phần Chatbot, cho phép người dùng liên hệ tư vấn qua facebook hoặc hotline…

Ðề tài “Nghiên cứu phát triển gạch bê tông bọt siêu nhẹ từ hỗn hợp tro bay và xỉ hạt lò cao nghiền mịn” của nhóm sinh viên Khoa Công nghệ hướng đến tái chế, tái sử dụng nguồn phế thải từ các hoạt động công nghiệp đang sẵn có ở Việt Nam với lượng tồn đọng rất lớn. Những viên gạch thành phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam và có thể ứng dụng tốt trong một số hạng mục của các công trình xây dựng. Theo nhóm tác giả, mỗi năm các nhà máy nhiệt điện và công nghiệp sản xuất sắt thép ở Việt Nam thải ra hơn 20 triệu tấn tro bay và xỉ hạt lò cao nghiền mịn; phần lớn lượng phế thải này vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.  Ðề tài nhằm tận dụng triệt để các nguồn trên để giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời giải quyết vấn đề khan hiếm nguyên liệu trong xây dựng. Theo bạn Phạm Văn Hiền, đại diện nhóm, gạch bê tông bọt siêu nhẹ giúp thi công nhanh, khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, giúp giảm chi phí sử dụng năng lượng, từ đó giảm đáng kể tổng chi phí xây dựng. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều khu vực nền đất yếu, đặc biệt là ÐBSCL, nên việc sử dụng bê tông bọt siêu nhẹ sẽ mang lại hiệu quả trong giảm tải trọng công trình, phù hợp với điều kiện nền đất yếu.

Một số đề tài khác đạt giải đợt này có giá trị thực tế cao như: “Nghiên cứu sinh học sinh sản cá bống cát Glossogobius sparsipapillus (Akihito&Meguro, 1976) phân bố vùng ven biển Bạc Liêu và Cà Mau” của nhóm sinh viên Khoa Sư phạm; đề tài “Khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa và gây độc tế bào ung thư gan của cao alkaloid từ thực vật” của nhóm sinh viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học…

Theo PGS.TS Lê Nguyễn Ðoan Khôi, Phó Trưởng Phòng Quản lý Khoa học của trường, NCKH là hoạt động trọng điểm được lãnh đạo nhà trường rất quan tâm. Trước năm 2009, hoạt động NCKH trong sinh viên rất ít, chỉ có một vài đề tài thực hiện. Từ năm 2012, số lượng, chất lượng đề tài của sinh viên ngày càng tăng, song hành với kinh phí hỗ trợ của trường. Mỗi năm trường dành ít nhất 1 tỉ đồng cho sinh viên NCKH. Song song đó, cán bộ, giảng viên các đơn vị hỗ trợ sinh viên khai thác các hoạt động NCKH để thực hiện ý tưởng, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy phong trào NCKH, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo trong sinh viên.

PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: Năm 2020, 100% sinh viên chương trình chất lượng cao tốt nghiệp phải có công trình NCKH. Trường dành kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Trường khuyến khích xuất bản phẩm, nhất là xuất bản phẩm quốc tế - tạo nên thương hiệu không chỉ của cá nhân mà cho cả Trường ÐHCT. “Sắp tới, trường tiếp tục tạo mọi điều kiện để các đơn vị, khoa, phòng đóng vai trò chủ động trong hỗ trợ sinh viên NCKH, tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động NCKH trong sinh viên”, cô Hiền nhấn mạnh.

Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết