24/04/2009 - 22:00

Khổ vì... trấu!

Thời gian qua, trên các dòng sông, kinh rạch như: sông Ô Môn, kinh xáng Ô Môn, kinh Thị Đội... trải đầy xác trấu. Trấu ở giữa sông, trấu tấp vào hai bên bờ, lâu ngày làm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân. Đang lùa bã trấu ra xa để giặt quần áo, chị Nguyễn Thị Hai, nhà ở cặp kinh xáng Ô Môn (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) bức xúc nói: “Gia đình tôi sử dụng nước con kinh này để nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa hằng ngày. Nhưng hiện nay cả con kinh xác trấu trôi đầy, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Mặc dù vậy, gia đình vẫn phải dùng nước từ con kinh này để sinh hoạt vì không có nước máy, dẫu biết rằng không an toàn”.

 Hiện nay, trên tuyến kinh xáng Ô Môn, luôn có tình trạng trấu trôi bồng bềnh trên mặt nước, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Bà Hà Thị Thúy, ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: “Trấu trôi trong nước lâu ngày, phân hủy gây ra mùi hôi thúi, lợn cợn trong nước nên khi dùng nước kinh tắm rửa, gia đình tôi thường bị mẩn đỏ, ghẻ ngứa toàn thân. Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng đến nay không hiểu sao tình trạng này vẫn còn tồn tại?”.

Tại trung tâm thị trấn Thới Lai, ngay ngã ba kinh xáng Ô Môn, nhiều nhà máy xay xát lúa gạo lớn, nhỏ đều tập trung tại đoạn kinh này. Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đây, trấu được dùng làm nhiên liệu cho các lò gạch hoặc nhiều hộ dân dùng trấu làm chất đốt, nên lượng trấu sau khi xay xát lúa gạo thải ra bao nhiêu thì được các thương lái tìm đến mua hết. Thế nhưng, những năm gần đây, lượng trấu ứ đọng nhiều, không nơi chứa. Để việc sản xuất không bị gián đoạn, nhiều nhà máy đã hỗ trợ từ 300.000 đến 500.000 đồng (tiền chi phí xăng dầu) cho mỗi ghe đến chở trấu đi nơi khác. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không giải quyết được lượng trấu tồn đọng.

Người dân địa phương bức xúc, chính quyền địa phương biết nhưng chưa có cách giải quyết. Theo ông Hứa Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tân, huyện Thới Lai: “Hiện nay, các nhà máy xay xát hoạt động hết công suất, lượng trấu ứ đọng ngày càng nhiều. Không có chỗ chứa, các nhà máy đã thuê người gánh trấu lén lút đổ xuống sông, kinh rạch vào ban đêm hoặc làm động tác giả là hỏng kho chứa trấu, nên trấu tràn xuống sông. Trấu khi mới đổ xuống sông, kinh, rạch, nổi bềnh bồng trên mặt nước; lâu ngày thì lợn cợn trong nước, rồi chìm xuống đáy sông, kinh rạch tạo thành lớp bùn có mùi rất khó chịu, làm môi trường nước bị ô nhiễm. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc lên UBND huyện và chờ chỉ đạo để có biện pháp xử lý”.

Còn theo thông tin từ ông Huỳnh Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thới Lai thì: Trên địa bàn huyện có khoảng 15 nhà máy xay xát lúa gạo, tập trung chủ yếu ở thị trấn Thới Lai, xã Tân Thạnh và xã Thới Tân. Mỗi năm, các nhà máy này thải ra hàng chục ngàn tấn trấu, lượng trấu lớn như thế không có nơi tiêu thụ hết. Thời gian qua, có một đoàn khảo sát tận dụng trấu để phát điện hoặc ép làm củi trấu. Đây là tín hiệu mừng, nhưng chỉ mới dừng lại ở khảo sát, kế hoạch. Ông Huỳnh Minh Hiếu cho biết thêm: Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập Đoàn đi kiểm tra, yêu cầu các chủ nhà máy làm cam kết không đổ trấu xuống sông. Nếu cố tình vi phạm bị phát hiện sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Tình trạng một số nhà máy tùy tiện đổ trấu xuống sông, kinh rạch ở một số địa phương gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe người dân đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này cho thấy không chỉ chủ cơ sở xay xát lúa gạo thiếu ý thức bảo vệ môi trường mà công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng hết sức lỏng lẻo, những trường hợp vi phạm chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng vì lượng trấu lớn, đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của bà con. Đây là điều không thể chấp nhận được. Bà con yêu cầu các cơ quan chức năng thẩm quyền vào cuộc để sớm chấm dứt lối làm ăn vô trách nhiệm, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe của nhân dân.

Bài, ảnh: NG.B

Chia sẻ bài viết