19/12/2021 - 07:21

Khó hiểu chiếc băng thủ quân của Arsenal 

Tiền đạo Pierre-Emerick Aubameyang vừa bị tước băng thủ quân Arsenal do vô kỷ luật. Vụ việc cho thấy “lời nguyền” băng đội trưởng của “Pháo thủ” vẫn còn linh nghiệm.

Aubameyang (phải) ghi 7 bàn trên mọi đấu trường mùa này, nhưng thái độ thi đấu có vấn đề. Ảnh: The Sun

Aubameyang (phải) ghi 7 bàn trên mọi đấu trường mùa này, nhưng thái độ thi đấu có vấn đề. Ảnh: The Sun

Ngày 8-12, Aubameyang sang Pháp thăm mẹ với lịch trở lại là hôm sau. Tuy nhiên, anh trả phép vào ngày 10-12. Kết quả là tiền đạo người Gabon bị loại khỏi đội hình Arsenal trong trận thắng Southampton 3-0 ở Ngoại hạng Anh và mất luôn băng đội trưởng. Thật ra, đó là lần thứ ba Aubameyang vi phạm kỷ luật. Hồi tháng 3, HLV Mikel Arteta đẩy anh lên ghế dự bị trong trận derby Bắc Luân Đôn với Tottenham do tập trung muộn. Chân sút 32 tuổi này cũng từng bị khiển trách vì vi phạm các quy định phòng, chống COVID-19. Aubameyang chỉ ghi 15 bàn thắng ở mùa giải rồi, thấp nhất kể từ mùa 2010-2011.

Aubameyang không phải là thủ quân đầu tiên của Arsenal gây tranh cãi hoặc không được yêu thích. Kể từ khi HLV Arsene Wenger bổ nhiệm Wiliam Gallas làm thủ quân Arsenal năm 2007 thì cho tới nay, CLB chẳng có đội trưởng nào gương mẫu.

Trao băng thủ quân cho Gallas có lẽ là một trong những sai lầm của ông Wenger tại Arsenal. Hậu vệ người Pháp dám vứt bỏ băng đội trưởng và chỉ trích thẳng mặt đồng đội trong phòng họp báo hồi cuối năm 2008. Sau vụ này, Gallas bị tước băng đội trưởng. HLV Wenger sau đó tìm đến cầu thủ trẻ thay vì có kinh nghiệm để trao chiếc băng đại diện cho đội bóng trên sân này. Gương mặt được chọn là Cesc Fabregas. Tiền vệ 21 tuổi này phần nào cho thấy anh đủ khả năng để kế thừa vị trí đội trưởng. Nhưng do không thể cùng Arsenal giành các danh hiệu cũng như được CLB cũ Barcelona theo đuổi quyết liệt, Fabregas đã thay đổi thái độ, đình công để ra đi. Ngôi sao người Tây Ban Nha chia tay Arsenal năm 2011, khiến một số CĐV rất buồn vì sự thiếu trung thành của anh.

Buồn vì Fabregas, Wenger chuyển băng đội trưởng cho Robin van Persie. Tuy nhiên, câu chuyện của van Persie để lại dư vị đắng hơn. Sau khi ghi được 30 bàn ở Ngoại hạng Anh mùa 2011-2012, tiền đạo người Hà Lan quyết định ra đi. Việc anh gia nhập đại kình địch Manchester United đã làm tổn thương nặng nề các CĐV Arsenal.

Trong khi đó, Thomas Vermaelen nhận băng đội trưởng đầu mùa 2012-2013 là điều không cần bàn cãi, bởi khi ấy anh là trung vệ xuất sắc nhất của Arsenal. Thế nhưng phong độ của cầu thủ người Bỉ bắt đầu sa sút, rồi những chấn thương khiến anh mất luôn vị trí thi đấu và rời Arsenal vào hè 2014.

Đến lượt Per Mertesacker thì phát huy tối đa mọi khả năng bản thân kể từ khi được bổ nhiệm làm thủ quân Arsenal năm 2016. Tương tự hai người tiền nhiệm Vermaelen và Mikel Arteta, Mertesacker thường xuyên chấn thương, chỉ ra sân 14 trận trong 2 năm đeo băng đội trưởng. Tiếp quản chiếc băng thủ lĩnh từ Mertesacker, Koscielny hành xử chuyên nghiệp cho đến tháng 7-2019, khi yêu cầu chuyển nhượng bị bác bỏ. Anh từ chối tham gia chuyến du đấu trước thềm mùa giải mới và cuối cùng được khoác áo Bordeaux như mong muốn.

Trong các đời đội trưởng Arsenal, Granit Xhaka là người gây ồn ào nhất. Chỉ một tháng sau khi trở thành thủ quân, tuyển thủ Thụy Sĩ gây chú ý trong trận tiếp đón Crystal Palace. Xhaka không hài lòng khi bị thay ra sớm và lững thững đi bộ trên sân. Đáp lại những tiếng la ó từ các CĐV Arsenal, anh giơ tay lên tai thách thức và cởi áo. Xhaka giữ băng đội trưởng chưa đầy 2 tháng và phải trao lại cho Aubameyang.

Những ứng viên thay thế Aubaymeyang đeo băng đội trưởng Arsenal là Alexandre Lacazette, Martin Odegaard, Ben White và Kieran Tierney.

BÌNH DƯƠNG (Theo Sky Sports)

Chia sẻ bài viết