04/03/2022 - 08:39

ÐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Khô hạn, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Những ngày qua, một số địa phương ở ÐBSCL xuất hiện mưa trái mùa, góp phần hạn chế khô hạn, thiếu nước trong khu vực. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn gay gắt vẫn còn đe dọa, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL…

Khô hạn, nước trên sông, rạch tại TP Cần Thơ xuống thấp, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ÐBSCL xuất hiện mưa lớn bất thường trong những ngày qua ở một số nơi thuộc vùng Bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười. Tình trạng này góp phần hạn chế khô hạn, nhưng xâm nhập mặn, thiếu nước vẫn còn hiện hữu và tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, theo dự báo đầu tháng 3 này sẽ có mưa nhỏ xuất hiện ở vùng Bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười, với lượng mưa từ 15-20mm. Bên cạnh đó, ENSO đang ở pha lạnh, ảnh hưởng La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5, sau nghiêng về trung tính, dự báo năm 2022 mưa xuất hiện sớm, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn sẽ bắt đầu  hạn chế từ tháng 5-2022.

Tuy nhiên, theo dự báo diễn biến mặn mùa khô năm 2021-2022 có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10km, nhưng thấp hơn nhiều so với mùa khô năm 2015-2016 (từ 4-32km); 2019-2020 (từ 5-59km) và một số thời điểm tương đương - cao hơn so với mùa khô năm 2020-2021. Dự báo mặn xâm nhập sâu nhất trong tháng 3, với độ mặn 1g/l cao nhất trên sông Tiền từ 53-55km, sông Hàm Luông từ 70-75km, các cửa sông khác từ 60-62km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu từ 100-110km. Các vùng ven biển Tây, vùng có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã đi vào hoạt động, mặn đã  được kiểm soát chủ động.

Tại TP Cần Thơ, xâm nhập mặn chưa xuất hiện nhưng tình trạng khô hạn, thiếu nước đang đe dọa các địa phương sản xuất nông nghiệp. Vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống được 76.039ha, đạt 100% so với kế hoạch và thấp hơn 1.077ha so với cùng kỳ. Ðến hết tháng 2, toàn thành phố đã thu hoạch gần 50% diện tích, năng suất ước bình quân đạt 7,1 tấn/ha. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Ðịa phương đã tập trung thực hiện nạo vét, khai thông kênh, rạch, thực hiện thủy lợi nội đồng, nhằm dự trữ, tích nước phục vụ sản xuất trong những tháng mùa khô năm 2022. Ðặc biệt, công tác thủy lợi nội đồng được nông dân đồng tình hưởng ứng, nhiều tuyến kênh, rạch bị bồi lắng lâu năm được nạo vét, chứa nước, phục vụ khá tốt cho sản xuất, góp phần hạn chế khô hạn, thiếu nước tại địa phương…".

Ở tỉnh Sóc Trăng, những ngày qua các khu vực dọc theo vùng ven biển Vĩnh Châu và các cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh, độ mặn tăng cao gay gắt. Gió Ðông mạnh kết hợp cùng triều cường rằm tháng Giêng, nước mặn vào các cửa sông xâm nhập vào vùng thủy nội địa. Ông Phạm Tấn Ðạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Ðến nay, tình trạng khô hạn, mặn có xu hướng tăng nhanh. Do đó, các địa phương có hệ thống kênh, rạch tiếp giáp vùng cửa sông, ven sông lớn và điểm cống đập xung yếu đều được đóng kín, hạn chế mặn xâm nhập sâu, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp".

Hiện nay, mặn xâm nhập theo hướng sông Hậu vượt qua Ðại Ngãi vào tới thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), độ mặn lên 4-5‰. Theo Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, nước mặn đã xâm nhập tới xã An Lạc Tây, tại vàm Rạch Vọp đo độ mặn 3-3,2‰ và có khả năng tăng lên 4‰. Hiện ở Kế Sách có khu vực gồm 5 xã có vườn cây ăn trái vẫn an toàn. Nhưng nếu độ mặn tăng cao cây trồng vùng ngọt sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cán bộ nông nghiệp địa phương thông tin cập nhật độ mặn và khuyến cáo nông dân đóng cống, trữ ngọt tưới cho vườn cây… Ðến thời điểm này hơn 40.000ha lúa đông xuân 2021-2022 quanh khu vực hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt đã thu hoạch xong, an toàn (khu vực thường xuyên bị xâm nhập mặn hằng năm). Hiện lượng nước ngọt trữ trong hệ thống kênh, rạch còn đảm bảo cho ghe chở lúa, chở máy gặt đập lưu thông và khả năng tưới tiêu phục vụ sản xuất đến khoảng giữa tháng 3-2022.

Tập trung ứng phó

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết: Nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay được dự báo ở mức tương đương với năm 2020-2021, phụ thuộc vào việc vận hành của các đập thủy điện thượng nguồn. Xâm nhập mặn có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương vùng ÐBSCL cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhất là vùng cách biển đến 35-45km, sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022 xong phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ hè thu tiếp theo. Ðồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy nước ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước trong ao, ruộng, mương liếp… Ðặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn trái (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.

Tại TP Cần Thơ, sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả để thích ứng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Ðối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và xử lý rơm rạ nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc
hữu cơ…

Tỉnh Sóc Trăng là địa bàn xung yếu, nơi "đầu sóng" tiếp giáp bờ biển Ðông dài 70 km. Qua các mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt 2015-2016 và 2019-2020, mặn tăng cao gây nhiều thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ đó địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi lịch thời vụ cây trồng. Ðặc biệt chú trọng các giải pháp thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ cây trồng mùa khô. Hiện nay, hệ thống thủy lợi tỉnh Sóc Trăng được phân thành 7 vùng dự án, gồm: vùng dự án Kế Sách, vùng Cù lao Sông Hậu, vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, vùng dự án Ba Rinh - Tà Liêm, vùng dự án Quản lộ Phụng Hiệp và vùng dự án Thạnh Mỹ. Trong năm qua nhiều công trình phòng chống hạn mặn của tỉnh triển khai như vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, vùng dự án Ba Rinh - Tà Liêm đã kịp thời hoàn chỉnh đưa vào vận hành đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Riêng trạm bơm nước ngọt cống Bà Xẩm đang thi công trong vòng một tháng tới hoàn thành sẽ đảm bảo thêm nguồn cung nước ngọt, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong mùa khô. Hệ thống 10 cống do Bộ NN&PTNT đầu tư đang thi công, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành sẽ bảo vệ khu vực vườn cây ăn trái 40.000ha tại huyện Kế Sách… Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đề xuất thêm dự án Âu thuyền Ðại Ngãi sẽ đảm bảo 80% nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Còn lại 20% thuộc một số khu vực như An Thanh Nam thuộc huyện Cù Lao Dung và vùng ven biển Vĩnh Châu đang thực hiện chuyển đổi sang vùng nuôi thủy sản…

Chia sẻ bài viết