10/07/2012 - 21:18

Khi người dân đồng thuận

Cầu tuyến dân cư Lấp Vò nối liền xã Trung An - Trung Thạnh vừa được đưa vào sử dụng, kinh phí hoàn toàn do nhân dân đóng góp.

Qua 2 năm triển khai  thực hiện, công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM)  tại 36 xã của  TP Cần Thơ đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Kết quả này, ngoài vai trò định hướng, chỉ đạo của các ngành, các cấp còn có sự đóng góp không nhỏ của đại bộ phận cư dân nông thôn. Những công trình hình thành từ “ý Đảng, lòng dân” không chỉ tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế địa phương...

Dẫn chúng tôi đi trên con đường vừa mới bơm cát xong còn xăm xắp nước, ông Trần Hùng Hải, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, phấn khởi nói: “Vài hôm nữa thôi đoạn đường này sẽ được bê-tông hóa, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy. Từ rày về sau, dù trời có mưa, bà con đi lại, mua bán cũng dễ dàng; tụi nhỏ đi học quần áo không bị lấm lem như trước. Sau khi làm đường xong, tôi sẽ tiếp tục vận động bà con làm hàng rào, cột cờ tạo cảnh quan tươm tất, khang trang...”. Theo lời kể của ông Hải, ban đầu, khi họp dân công bố việc làm đường, bà con đều đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, khi bắt đầu triển khai mua vật tư, bơm cát... thì phát sinh nhiều vấn đề, chủ yếu do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số hộ không thể tiếp tục đóng góp... Vậy là, ông cùng chính quyền địa phương tiến hành họp dân “khẩn cấp”. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ rắc rối, vậy mà, chỉ sau một hồi bàn bạc, mọi người cùng thống nhất: kinh phí làm đường sẽ được chia đều cho mỗi hộ, hộ nào không đủ điều kiện các hộ khác sẽ “tiếp sức”.

Huyện Phong Điền là một trong những địa phương điển hình của TP Cần Thơ trong công tác huy động sức dân phục vụ Chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô năm 2012. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau hơn 5 tháng phát động chiến dịch, huyện vận động nhân dân đóng góp trên 2,8 tỉ đồng, với hơn 13.484 lượt người hưởng ứng, tham gia. Theo đó, toàn huyện xây mới được 15 cây cầu; giặm vá, đắp taluy hơn 41,5km đường giao thông nông thôn; thực hiện gia cố đê bao với chiều dài 22 km; xây dựng hệ thống đê bao khép kín bảo vệ 2.080ha vườn cây ăn trái. Ngoài ra, các xã tiến hành đắp mới, nâng cấp, sửa chữa 215 đập, kè mé chống sạt lở dài khoảng 11km, nạo vét thủ công các kênh, dọn cỏ khai thông dòng chảy... Bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô năm 2012 được triển khai sớm và đồng bộ ở tất cả các xã của huyện Phong Điền. Đây là điều kiện để các xã củng cố và nâng chất tiêu chí giao thông, thủy lợi trong XDNTM. Theo kế hoạch, chiến dịch kết thúc vào cuối tháng 6, nhưng người dân vẫn tiếp tục đóng góp. Vì vậy, huyện quyết định duy trì chiến dịch cho đến khi lũ về...”.

Nếu người dân huyện Phong Điền cùng chung sức XDNTM thông qua  xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi thì huyện Cờ Đỏ xây dựng NTM thể hiện qua những chiếc cầu nối liền các ấp, các xã. Đến xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Thêm, người miệt mài vận động bà con quyên góp tiền xây dựng cầu trong suốt 3 năm qua. Năm 2010, ông vận động xây mới được cầu Mương Kinh (ấp Thạnh Quới 1) kinh phí 250 triệu đồng, năm 2011 có thêm 3 cây cầu mới của ấp Thạnh Quới 1 được khánh thành với tổng vốn đầu tư khoảng 460 triệu đồng. Trong năm 2012 này, ông Thêm vận động quyên góp gần 1,7 tỉ đồng xây dựng cầu Trung Hưng nối liền ấp Thạnh Quới 1 và Thạnh Lợi 2. Dự kiến, cầu Trung Hưng sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng nhân dịp lễ Quốc khánh 2-9 sắp tới. Ông Nguyễn Văn Thêm tâm sự: “Cả đời gắn bó với mảnh đất này, giờ đã có tuổi, con cái thành đạt nên tôi góp chút ít công sức để xây dựng quê hương là việc nên làm. Những việc tôi làm không ngoài mục đích mong muốn bộ mặt nông thôn Trung Hưng thay đổi, người dân đi lại, con cháu đi học... ngày càng thuận lợi hơn”.

Theo ông Trần Quốc Bền, Chủ tịch UBND xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, bắt tay vào XDNTM, phát huy tính dân chủ trong nhân dân được xã đặt lên hàng đầu. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp  để người dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng nhau bàn bạc: việc nào nên làm, không nên làm; việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau... Bên cạnh đó, các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được Trung An tiến hành một cách đồng bộ, chọn ấp điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã. Và đương nhiên, tất cả đều có sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ từ phía người dân. Vì vậy, chủ trương này được người dân Trung An đồng tình ủng hộ. Thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tự nguyện “giải phóng mặt bằng” phục vụ phong trào xây dựng cầu, đường... Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Trí, người dân xã Trung An. Hằng ngày, thấy hàng trăm học sinh phải ngồi xuồng qua sông đi học hết sức nguy hiểm nên ông tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất; đồng thời vận động bà con xung quanh đóng góp hơn 900 triệu đồng xây dựng cầu nối liền 2 xã Trung An và Trung Thạnh.

Quá trình XDNTM, sức dân là “sức bền”, người dân chính là chủ thể, là đối tượng trực tiếp thụ hưởng những lợi ích từ chủ trương này. Do đó, huy động nguồn lực từ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của người dân trong XDNTM là việc làm thiết thực. Sắp tới, xã Trung An tiếp tục tổ chức công bố rộng rãi Đề án XDNTM xã thông qua đài truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND, nhà thông tin các ấp... Việc làm này, một mặt để người dân giám sát, tham gia các công việc cụ thể của Đề án; mặt khác nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho người dân trong XDNTM. Mục tiêu của Trung An đưa ra là có ít nhất 98% người dân hiểu, 95% trở lên đồng tình, tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án.
Bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho rằng: XDNTM bộ mặt nông thôn không chỉ thay đổi ở kết cấu hạ tầng nông thôn mà điều quan trọng là đời sống người dân phải được cải thiện. Vì vậy, ngoài kinh tế vườn, huyện sẽ đầu tư thỏa đáng cho cây lúa thông qua việc liên kết hình thành các “Cánh đồng mẫu lớn” nhằm cải thiện thu nhập cho người nông dân. Đây là khâu then chốt chứng minh cho người dân thấy mục tiêu XDNTM không tách rời mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Một khi mức sống của người dân được nâng lên, việc huy động nhân dân đóng góp XDNTM không còn là vấn đề nan giải...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết