01/10/2010 - 08:28

Phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Khẩn trương xây dựng tiêu chí đánh giá về tình hình tham nhũng

Sáng 30-9, tiếp tục Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện, việc kê khai tài sản, thu nhập, trả lương qua tài khoản, nộp lại quà tặng đã được triển khai rộng rãi và có tác động nhất định, tạo sự chuyển biến về ý thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 6.977 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội và trên 1.200 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung vào lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, hoạt động của các công ty nhà nước, việc đầu tư các dự án trọng điểm... Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương đạt trên 84% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng tài sản công, kiến nghị thu hồi 8.152,6 tỉ đồng, 2.108,5 ha đất, xử lý kỷ luật 562 tập thể, 2.035 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra các cấp để xem xét, xử lý hình sự 87 vụ việc, trong đó có 62 vụ, 84 đối tượng có liên quan đến tham nhũng.

Trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can, giảm 23% số vụ án và 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can, giảm 13% số vụ và 10% số bị can; Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo, giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo so với cùng kỳ. Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỉ đồng, 516,8 ha đất; đã thu hồi được 156,4 tỉ đồng, 432,1 ha đất.

Theo ông Trần Đức Lượng, năm 2010, tội phạm tham ô vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong số các vụ án tham nhũng bị khởi tố (51,5% số vụ, 54,9% số bị can); tội nhận hối lộ chiếm 11,1% số vụ, 7,7% số bị can; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chiếm 12,7% số vụ, 9,1% số bị can; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm 17% số vụ, 21,1% số bị can.

* Chiều 30-9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận và cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 và báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nhận định rằng các báo cáo này đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 8 sắp tới. Các thành viên UBTVQH cũng cho rằng: Trong năm 2010, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều cố gắng, giải quyết một khối lượng công việc lớn trên các lĩnh vực nói trên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kết quả này có phần đóng góp của các cơ quan tư pháp khác bên cạnh Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, tình hình xã hội vẫn có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nhiều vấn đề xã hội trước đây hầu như không xảy ra giờ đã trở thành nghiêm trọng, ví dụ như giết người, bạo lực với trẻ em, bạo lực học đường, tai nạn giao thông, mặc dù đã có những biện pháp xử lý quyết liệt nhưng tình hình chưa thay đổi, kể cả tình trạng chống người thi hành công vụ. Khu vực nông thôn, miền núi cũng gia tăng tệ nạn xã hội. Các thành viên UBTVQH cho rằng cần tập trung phân tích, làm rõ hơn những mặt hạn chế, đánh giá rõ hơn tình hình vi phạm pháp luật. Không thể quy nguyên nhân chỉ từ mặt trái của cơ chế thị trường...

Các thành viên UBTVQH cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2010 thể hiện trên các mặt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ; xây dựng hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của bộ máy các ban chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách về PCTN; về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; về công tác thanh tra kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; về phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Các thành viên UBTVQH cũng cho rằng việc đánh giá đúng đắn, chính xác tình hình tham nhũng hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra các chính sách , biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý phù hợp, có hiệu quả. Nhiều thành viên UBTVQH cũng đồng tình với đề nghị của Ủy ban Tư pháp là Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá về tình hình tham nhũng và công tác PCTN một cách khoa học, thực tiễn, khách quan nhằm bảo đảm tính chính xác và tạo sự thống nhất trong đánh giá, nhận định. Kết quả của hoạt động giám sát và thẩm tra cho thấy tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh PCTN.

CHU THANH VÂN-PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết