* Lũ tiếp tục đe dọa các huyện, thị đầu nguồn Đồng Tháp
* Các huyện vùng lũ Long An kê kích bảo vệ an toàn gần 18.000 tấn lúa giống
(Chinhphu.vn-TTXVN)- Trước diễn biến của bão số 4, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ngày 25-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
![Khẩn trương ứng phó với bão số 4](https://baocantho.com.vn/image/news/2011/20110926/fckimage/85051497611190_21.jpg) |
Nhiều tuyến đường nông thôn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long đã ngập trong nước lũ. Ảnh: SGGP Online |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trưa 25-9 vị trí tâm bão số 4 (có tên quốc tế là HaiTang) vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi 440km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm nhận định, trong 48h tới, bão sẽ di chuyển và đi vào vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với cấp 8, cấp 9, và sẽ gây mưa to đến rất to ở khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên.
Lũ các sông miền Trung đang xuống, nhưng 2 ngày tới sẽ tăng lại, có thể đạt đỉnh vào ngày 27-9 và trong vòng 15 ngày tới là cao điểm trong đợt lũ năm nay.
Theo báo cáo nhanh về tình hình tàu thuyền, hiện các địa phương đã thông báo bão cho tổng số 6.158 tàu, thuyền/36.883 người, trong đó có 36 tàu đang hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và đặc biệt là các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên khẩn trương có các biện pháp thông tin cho tàu thuyền trên biển, tàu thuyền đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về cơn bão này, cũng như sớm có các biện pháp phòng chống từ xa cho khu vực ven bờ và đất liền.
Các địa phương tích cực thông báo, kêu gọi sẵn sàng các lực lượng cứu hộ. Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để giúp ngư dân có thể tránh, trú bão an toàn.
Các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa chỉ đạo chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống bão, đặc biệt là mưa lũ. Trước mắt sơ tán dân ở vùng sạt lở, vùng trũng và gia cố các vùng bờ bao, đê chống tràn. Các địa phương bố trí trực, chuẩn bị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý tới vấn đề an toàn hồ, đập...
7h sáng 26-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục giao ban để cập nhật, đánh giá tình hình và có biện pháp chỉ đạo kịp thời trong ứng phó với bão số 4.
* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Đồng Tháp, nước lũ đầu nguồn đang chảy về mạnh làm ảnh hưởng các huyện thị đầu nguồn như: Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự. Mấy ngày qua ở khu vực này, lũ lên nhanh với cường suất bình quân 5-6 cm/ngày.
Kết quả kiểm tra công tác bảo vệ lúa thu đông tại hai huyện Tân Hồng và Hồng Ngự cho thấy, khởi đầu mùa lũ ngày 23-9, khu đê bao hơn 200ha lúa vụ 3 bị nhấn chìm trong lũ, thuộc ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, TX Hồng Ngự bị vỡ đoạn đê khoảng 50m (mực nước chênh lệch giữa trong và ngoài khoảng 2,5m) làm thiệt hại hơn 5 tỉ đồng. Huyện Tân Hồng có 2 khu vực được xác định bị lũ đe dọa nhiều nhất: bờ bao dọc theo hai bờ kênh Cả Mũi bảo vệ 800 ha lúa của 2 ô bao Tân Thành A 1 và Tân Thành A 2 (xã Tân Thành A) mới được tôn cao, mặt bờ bao chưa được sang sửa, nhiều đoạn còn cao hơn mức nước 0,2-0,6m, một số đoạn đi qua lung, đìa có nền đất yếu; đoạn đê bao kết hợp lộ giao thông nông thôn (mặt đường lót bê tông) dọc theo rạch Cái Cái bảo vệ 795ha lúa trong ô bao Thông Bình 2 (xã Thông Bình) đã xây tường chắn nước, nhưng đỉnh tường chỉ còn cao hơn mức nước 0,4-0,7m.
Còn tại huyện Hồng Ngự có 2.600ha lúa thu đông nguy hiểm trước lũ: đoạn đê bao dọc theo kênh Tứ Thường, thuộc xã Thường Phước 2, bờ bao kết hợp lộ giao thông, nước lũ đã tràn qua một số nơi, có nơi còn cao hơn mực nước 0,5-1,5m và nhiều chỗ nước rò rỉ qua thân đê; đoạn đê bao kết hợp lộ giao thông dọc theo kênh Nam Hang - Cả Sách (Thường Thới Tiền) còn cao hơn mực nước 0,5-1,5m và cũng có nhiều nơi nước rò rỉ qua thân đê. Riêng thị xã Hồng Ngự có một số đoạn đê chỉ còn cao hơn mực nước 0,2-0,5m.
Lãnh đạo UBND huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và TX Hồng Ngự cùng các đơn vị liên quan, lãnh đạo UBND các xã, phường trực tiếp chỉ đạo gia cố đê bao tại hiện trường. Các địa phương huy động phương tiện và vật tư như: xáng, xe cạp, xe chở đất; cừ, lưới B40, bao,...; huy động lực lượng tại chỗ và bộ đội hỗ trợ gia cố đê.
* Hiện nay, mực nước lũ đang dâng cao so với cùng kỳ từ 1,2-1,4 mét, bà con nông dân ở các huyện vùng lũ là Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng và Thạnh Hóa (tỉnh Long An) tích cực dùng cây đóng sàn kê kích bảo vệ an toàn cho gần 18.000 tấn lúa giống để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân sau lũ.
Sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân các huyện đã tuyển chọn các giống lúa thơm, lúa cao sản như: Jasmine, VD 20, IR 3536, VND 95-20, OM 499, 4088, 5930, 4900, MTL 110 đem phơi từ 1-2 nắng, đóng bao bì và sử dụng cây tràm cừ đóng sàn kê kích trong nhà cao hơn mực nước lũ năm 2000 từ 1 - 2 mét để bảo quản hạt giống. tránh ẩm ướt.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên địa phận trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. |