02/04/2021 - 01:04

Khẩn trương phòng chống hạn, mặn 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 4 sẽ có những đợt xâm nhập mặn (XNM) tại vùng ÐBSCL, việc chủ động ứng phó sẽ giúp chủ động nguồn nước sinh hoạt và giảm thiệt hại cho sản xuất.

Cống ngăn mặn tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Hạn chế thiệt hại

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, XNM vùng ÐBSCL mùa khô năm 2020-2021 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Sau tháng 3, XNM ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ ngày 9 đến 14-4, 24 đến 30-4; trên sông Cái Lớn XNM tăng cao trong các đợt từ ngày 31-3 đến 7-4, 15 đến 24-4, sau giảm dần. Thực tế cho thấy XNM trên các sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây đang có xu thế tăng cao từ ngày 27 đến 31-3, ranh mặn 1g/l trên sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây từ 100-110 km, ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này trên sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây từ 85-96km. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các tỉnh ven biển ÐBSCL cần chủ động các biện pháp tích trữ nước bảo vệ các vườn cây trái và nước sinh hoạt.

Mới đây, trong công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó XNM, thiếu nước sinh hoạt tại ÐBSCL, Chính phủ nhận định do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021 tại vùng ÐBSCL, nhất là khu vực ven biển đã xảy ra tình trạng hạn hán, XNM, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.

Theo dự báo, trong tháng 4-2021 sẽ còn tiếp tục xảy ra một số đợt XNM gia tăng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và XNM; kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiếu nước, XNM.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: ÐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của cả nước, chiếm khoảng 58% tổng diện tích cây ăn trái toàn miền Nam. Tình hình hạn, mặn mùa khô 2020-2021 có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016 với phạm vi ảnh hưởng đến 8 tỉnh ven biển. Với mức độ XNM như trong tháng 3 và dự báo trong tháng 4-2021, thì có khả năng gây thiếu nước tưới cho khoảng 40.000ha cây ăn trái tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh.

Hiện nông dân các tỉnh đã chủ động trữ nước ngọt để tưới cho cây trồng. Cụ thể, tại Bến Tre, nhà vườn trồng cây ăn trái và cây giống đã chủ động đào gần 500 ao để trữ nước ngọt; tại Tiền Giang, nhà vườn trồng cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, vú sữa… đã đầu tư 1.200 dụng cụ và đào ao trữ nước ngọt. Việc nông dân đã chủ động phương án phòng, chống XNM ngay từ đầu, mạnh dạn đầu tư dụng cụ tích trữ nước ngọt để tưới cho vườn cây ăn trái nên đến nay XNM chưa gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất. Tuy vậy, các địa phương cần có bước chủ động chuẩn bị phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ vùng trồng cây ăn trái trong thời gian tới thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúc kết thực tiễn từ kinh nghiệm ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại trong mùa khô năm nay.

Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi Cà Mau, cho biết: Mùa khô năm nay, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ nhằm khắc phục hạn hán, tỉnh Cà Mau đã chủ động thực hiện các biện pháp để gia cố, đảm bảo ngăn mặn hiệu quả. Hiện độ mặn trong các cống thuộc vùng ngọt huyện Trần Văn Thời không đáng kể, lục bình vẫn có thể phát triển bình thường tại các cửa cống. Theo ông Nam, trước khi mùa khô đến, để đảm bảo sản xuất của người dân trong vùng ngọt, đơn vị đã sử dụng công nghệ phục vữa xi măng xử lý các đáy cống ngăn mặn, đặc biệt các cống bị rò rỉ, nên hạn chế thấp nhất tình trạng nước mặn vào nội đồng.

“Chúng tôi khoan sâu dưới đáy cống khoảng 6m để xử lý, vì vậy mặn rất khó để thẩm thấu qua. Ðến nay, chưa ghi nhận tình hình rò rỉ mặn qua đáy cống như năm rồi. Tình hình hạn hán năm nay không khốc liệt như cùng kỳ, tuy nhiên theo dự báo, mùa mưa sẽ đến trễ hơn mọi năm. Ðặc biệt, hiện đang vào cao điểm khô hạn nên ngành chức năng tỉnh Cà Mau vẫn đang chủ động theo dõi tình hình để phản ứng kịp thời. Công tác quản lý đê bao, các cống đập được theo dõi và thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày” - ông Nam thông tin.

Không để dân thiếu nước

Ðể giảm thiệt hại sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An đã khuyến cáo: Ðối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra độ mặn; các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này. Ngành thủy lợi thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước trên website phòng, chống thiên tai của tỉnh và trên các bản tin dự báo, cảnh báo về nguồn nước, XNM của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng, đồng thời khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ tích trữ nước vào ao, đồng ruộng, bồn chứa, túi chứa nước… khi nguồn nước ngọt còn dồi dào; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

Rút kinh nghiệm đợt mặn kéo dài mùa khô trước, bà con nông dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều giải pháp chống mặn như mua bạt trữ nước, túi nước khổng lồ chứa nước sinh hoạt, ngăn kênh, rạch tạo thành các đập trữ nước… Ðến nay, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của bà con vẫn đảm bảo. Ông Ðoàn Văn Ðảnh, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Nông dân trong tỉnh đã đào ao, lót bạt tạo thành hơn 500 hồ dự trữ nước ngọt. Những mô hình trên đang phát huy hiệu quả tích cực”.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Tỉnh đã triển khai đắp các đập ở khu vực cù lao Tân Phong, vùng chuyên canh sầu riêng thuộc xã Ngũ Hiệp và triển khai khoan 14 giếng dự phòng trên địa bàn huyện Cai Lậy. Ðối với các vùng cây ăn trái ở khu vực phía tây, tỉnh củng cố lại toàn bộ hệ thống đê bao và khoan thêm giếng phục vụ nước sinh hoạt cũng như sản xuất cho người dân. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã hoàn chỉnh các thiết bị, hệ thống đường ống, trạm bơm kinh Sáu Ầu - Xoài Hột nhằm bảo đảm nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Bình Ðức. Trong trường hợp cần thiết, Công ty sẽ xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang mở 12 giếng dự phòng trên địa bàn TP Mỹ Tho để tiếp tục cung cấp nước cho nhân dân.

Trong công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó XNM, thiếu nước sinh hoạt tại ÐBSCL, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg, ngày 11-9-2020, của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, XNM trong mùa khô 2020-2021 ở ÐBSCL, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Thủ tướng yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình XNM, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi XNM để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

XNM ở các cửa sông Cửu Long sẽ tăng trở lại vào ngày 9 và 10-4

XNM ở các cửa sông Cửu Long dao động ở mức cao đến ngày 2-4, sau có xu thế giảm dần và tăng lại vào ngày 9, 10-4; đối với sông Cái Lớn, XNM duy trì ở mức cao đến ngày 6-4. Ðó là nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Dự báo, từ nay đến ngày 10-4, ở thượng nguồn sông MeKong và khu vực Nam bộ phổ biến có mưa cục bộ vào chiều tối, ngày nắng. Riêng khoảng ngày 1 sang ngày 2-4, khả năng về  chiều tối khu vực Nam bộ có thể xuất hiện mưa rào và dông rải rác, lượng mưa phổ biến 5-15mm, có nơi cao hơn.

Mực nước ở thượng nguồn sông MeKong tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,45-0,55m và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,1-0,15m. Trong những ngày đầu, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu sẽ xuống theo triều, sau đó biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,3m, tại Châu Ðốc 1,4m, cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,1-0,15m.

Xu thế XNM ở các sông Cửu Long dao động ở mức cao đến ngày 2-4, sau có xu thế giảm dần và tăng lại vào ngày 9 và 10-4; riêng sông Cái Lớn XNM duy trì ở mức cao đến ngày 6-4. Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại: phạm vi xâm nhập mặn 55-60km; sông Hàm Luông: 65-70km; sông Cổ Chiên: 60-65km; sông Hậu: 55-60km; sông Cái Lớn: 61-65km.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia khuyến cáo, trong đợt mặn từ 1-6/4/2021, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn. Các địa phương chủ động các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này. Cấp độ rủi ro thiên tai do XNM ở ÐBSCL là cấp 1-2.

HẠNH LÊ

NHÓM PV - CTV

Chia sẻ bài viết