28/04/2016 - 20:44

Bạc Liêu:

Khai thác lợi thế mặn – ngọt

Khô hạn và xâm nhập mặn đang hoành hành vùng ĐBSCL. Đến nay, đã có 10 tỉnh công bố thiên tai do hạn mặn xâm nhập sâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng. Thế nhưng, nước mặn không phải lúc nào cũng có hại. Ở Bạc Liêu, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã khai thác lợi thế của nước mặn từ bao đời nay để giúp dân sinh sống và làm giàu. Mặc dù là tỉnh thứ 9 trong số 10 tỉnh công bố thiên tai do hạn mặn nhưng thiệt hại về lúa và thủy sản được xem là thấp nhất so với các năm.

"Kỳ tích" nhờ lòng dân

Chúng tôi về Bạc Liêu nghe nhiều người dân hết sức cảm kích về việc Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn cán bộ các ngành hữu quan vào 2 ngày cuối năm âm lịch, (28, 29 Tết) sau khi nhận định tình hình khô hạn năm 2016 sẽ gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích lúa đông xuân đã xuống thực địa ở các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai để chỉ đạo đóng tất cả các cống và đắp 454 đập trong 3 ngày để tranh thủ lấy nước ngọt trữ trong các đập và bơm nước lên ruộng nhằm chủ động nguồn nước cho vùng sản xuất lúa. Đây là "kỳ tích" chưa từng có ở Bạc Liêu. Nhờ vậy, trong thời điểm đỉnh cao của hạn mặn, trong số hơn 46.300ha lúa đông xuân, diện tích lúa bị thiệt hại chỉ khoảng 6.000ha trong toàn tỉnh.

Cống ngăn mặn trên bán đảo Cà Mau. 

Vào thời điểm tháng 3 và tháng 4-2016, để đề phòng triều cường dâng cao, huyện Phước Long đã chỉ đạo đắp ngay 48 đập nội đồng để giữ vùng ngọt của huyện, trong đó, xã Vĩnh Phú Tây 7 đập, Hưng Phú 16 đập, Vĩnh Thanh 15 đập và Vĩnh Phú Đông 10 đập nên 6.400 ha lúa đông xuân vẫn an toàn, nay đã thu hoạch xong. Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả này, ông Đỗ Văn Nhỏ ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long, cho biết: Khi xã có chủ trương vận động người dân đắp đập thời vụ, chúng tôi kéo nhau ra đồng ngay, chỉ đắp vài tiếng đồng hồ là xong, rồi bơm nước lên trữ ngọt, hệ thống đập này có thể trữ ngọt cho đồng ruộng gần 2 tháng. Những nơi chưa có đê bao khép kín thì chủ động đắp đập thời vụ vừa trữ nước ngọt, vừa ngăn mặn xâm nhập. Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, chia sẻ thêm: Ngay sau khi Sở NN&PTNT nhận định về diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, lãnh đạo huyện huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng nhân dân đắp đập, gia cố hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, kiểm tra chặt hệ thống, cống phân ranh mặn ngọt không để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định với quyết tâm cung cấp đủ lượng nước ngọt phục vụ cho trà lúa đông xuân đang làm đòng và chín tới.

Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, ngoài đắp hệ thống đê nội đồng để trữ nước ngọt, Bạc Liêu còn phối hợp với tỉnh Sóc Trăng xây dựng hệ thống đập phía Tây của kênh Ngã 5, Phú Lộc hoặc tự bảo vệ trên ranh giới giữa Sóc Trăng - Bạc Liêu đảm bảo không cho mặn đi sâu vào vùng chuyên canh lúa 53.000 ha của Bạc Liêu. Các huyện khác gia cố, kiểm tra các cống đầu mối ngăn mặn giữ ngọt ở các vùng chuyên lúa và bồi đắp thêm các đập ngăn mặn chưa được đầu tư kiên cố hóa. Với sự hình thành của hệ thống đập nội đồng đã biến cả cánh đồng lớn của Bạc Liêu thành "hồ chứa nước ngọt" lớn. Từ những cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân từ tháng 2 đến nay vụ lúa đông xuân của Bạc Liêu đều dư nước, hiện còn khoảng 600 ha lúa đông xuân đang trổ đòng, dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 5 này. Đợt hạn hán này theo tính toán của Sở NN&PTNT, Bạc Liêu chỉ bị thiệt hại khoảng 1.134 ha/46.000 ha lúa đông xuân.

Và "thủ phủ" tôm

Tỉnh Bạc Liêu giáp biển Đông, có sông, rạch ăn thông với biển Tây, ngoài việc hình thành 3 vùng sản xuất còn có các tiểu vùng như: vùng chuyên canh tôm Nam quốc lộ 1A với 19.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, trên tổng số 127.000 ha toàn tỉnh và 2 năm trở lại đây phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đưa Bạc Liêu trở thành "thủ phủ" tôm của cả nước. Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định: Thủy sản (trong đó có cả nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản) là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá cho nền kinh tế của tỉnh. Nhiều năm qua, Bạc Liêu luôn tồn tại 3 vùng sinh thái: mặn, ngọt và lợ. Nguồn nước ngọt mà Bạc Liêu có được là từ kênh Quản lộ Phụng Hiệp. Đây cũng là trục kênh duy nhất đưa nước sông Mêkông về Bạc Liêu. Bạc Liêu cũng là tỉnh cuối cùng của Việt Nam hưởng được nước ngọt từ sông MêKông. Tuy nhiên, Bạc Liêu lại luôn phải đối mặt với khó khăn là vừa phải khai thác lợi thế nước mặn để nuôi tôm, vừa phải điều tiết nước đảm bảo sao cho không để nước mặn tấn công vùng ngọt làm ảnh hưởng đến trồng lúa và hoa màu. Để giải quyết hài hòa việc phân ranh mặn – ngọt – bài toán được đặt ra hằng năm, UBND tỉnh đã lập ra ban điều tiết nước của tỉnh để điều tiết nước sao cho phù hợp với từng tiểu vùng đảm bảo cho cây trồng phát triển bền vững và quy hoạch lại các vùng sản xuất trong đó chuyển đổi hơn 83.000 lúa kém hiệu qủa ở vùng Nam quốc lộ 1A sang nuôi trồng thủy sản; tiếp tục duy trì vùng ngọt hóa ở Bắc quốc lộ 1A diện tích 56.000 ha để trồng các giống lúa có giá trị kinh tế cao và chuyển đổi hơn 60.000 ha trồng lúa kết hợp với nuôi tôm từ đó hình thành vùng sản xuất lúa – tôm với tính bền vững và hiệu quả cao. Chính nhờ vậy mà trong cơn đại hạn mùa khô này, vùng quy hoạch một vụ lúa – một vụ tôm của Bạc Liêu có bị thiệt hại nhưng không đáng kể.

Lợi thế nước mặn để đưa Bạc Liêu thành “thủ phủ” tôm.

Đối với vùng quy hoạch nuôi tôm, nhờ mặn sớm, bà con đã lấy nước mặn vào vuông tôm và thả giống sớm nên đến nay, bà con đã bắt đầu thu hoạch. Ông Hồ Minh Phú, Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản - Sở NN&PTNT Bạc Liêu, nhấn mạnh: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu năm nay đạt 127.200 ha với các hình thức: nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp và nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Năm nay hạn hán khắc nghiệt nhưng đối với thủy sản của Bạc Liêu lại xem là được mùa. Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn thứ 2 cả nước sau Cà Mau. Đến thời điểm này theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu có khoảng 3.620 ha tôm bị thiệt hại, tuy nhiên đây được xem là tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi. Thời gian hạn, mặn còn kéo dài đến tháng 5, sang tháng 6. Độ mặn còn tăng trên ít nhất 3%o nữa trong khi con tôm chỉ thích nghi độ mặn đến 15%o, nên ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con không thả nuôi trong quãng thời gian này. Đến thời điểm này, Bạc Liêu đã thu họach hơn 110.000 ha tôm, đạt 85% diện tích thả nuôi, chỉ thiệt hại 3.620 ha, trong đó chỉ có khoảng 400 ha bị thiệt hại trên 70%. Số còn lại thiệt hại từ 30 -70%. Đây là năm mà Bạc Liêu bị thiệt hại do tôm chết thấp nhất. Nhiều bà con cho biết, thả tôm năm nay, nghe cảnh báo hạn, mặn quyết liệt, tưởng chừng thất bại mà không ngờ lại trúng. Theo ông Phú, thời gian tới, nếu nước mặn tiếp tục xâm nhập, độ mặn tiếp tục tăng cao chắc chắn sẽ gây thiệt hại. Hiện, ngành chức năng của tỉnh đang tuyên truyền cho người dân hạn chế thấp nhất hoặc ngưng thả tôm giống để bảo toàn con giống và tránh bị thiệt hại về kinh tế.

Như vậy trong công cuộc phòng chống hạn mặn, chính quyền Bạc Liêu đã đón nhận được sự đồng lòng của nhân dân cùng chung tay tạo ra những kỳ tích trong công cuộc giữ ngọt. Để khai thác lợi thế nước mặn, ngọt sản xuất những sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết thêm: Tỉnh đã đề nghị Trung ương xem xét đầu tư hệ thống 24 cống trên đê biển để chủ động hơn trong việc lấy nước mặn, đồng thời cho thi công 2 âu thuyền trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp để giữ ngọt cho vùng ngọt hóa Bạc Liêu – Cà Mau.

Quốc Khánh – Quốc Trung

Chia sẻ bài viết