Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là "Thế giới sông nước Mekong", với sông nước mênh mông, vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả
Những tour du lịch khám phá miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống thú vị của cư dân miền sông nước, thưởng thức đờn ca tài tử độc đáo và những món ăn đặc sản
rất hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, lượng khách quốc tế đến vùng ĐBSCL (Inbound) chỉ hơn 1,8 triệu lượt, chiếm 8,27% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Làm thế nào để khai thác hiệu quả thế mạnh của vùng, tăng lượng khách quốc tế vào ĐBSCL?
Chưa tương xứng tiềm năng
Ý kiến của các chuyên gia đều nhận định ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi sự phong phú, đa dạng, cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của vùng. Năm 2015, Tổng cục Du lịch xác định sản phẩm đặc thù ĐBSCL là "Thế giới sông nước Mekong" (Mekong Water World).
Tạp chí Rough Guides của Anh ca ngợi ĐBSCL là vùng đất trù phú, màu mỡ, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, đầy sắc màu cuộc sống và hương vị cuộc đời. Bên cạnh đó, thiên đường nhiệt đới đảo ngọc Phú Quốc là chặng dừng chân thú vị không thể bỏ qua. Rough Guides còn giới thiệu đoạn clip với các cảnh quay "đậm chất" ĐBSCL. Đoạn clip được thực hiện bởi vợ chồng nhiếp ảnh gia người Mỹ Mat Szwajkos và Erin Wigger trong chuyến du lịch của họ tới ĐBSCL vào năm 2009. Anh Mat Szwajkos viết trên trang cá nhân: "Tôi ấn tượng về cuộc sống đầy sắc màu tại vùng ĐBSCL. Một cảm nhận rất đặc biệt không giống với bất kỳ nơi nào tôi đã viếng thăm".
|
Du khách nước ngoài đi dạo bến Ninh Kiều-Cần Thơ. |
Tạp chí du lịch Travel + Leisure (Mỹ) cũng đã xếp khu vực sông Mekong ở vị trí 11/50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015. Một trong những tiêu chí Travel + Leisure lựa chọn là những điểm đến này "có sự chuyển mình, ngày càng thu hút và có sức sống mới" trên bản đồ du lịch thế giới. Theo nữ phóng viên tự do chuyên viết về du lịch Stirling Kelso, nhịp sống khu vực sông Mekong đang "thay da đổi thịt", du khách dễ dàng đến khám phá phong cảnh, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống con người nơi đây thông qua loại hình du lịch du ngoạn trên du thuyền ngày càng phát triển.
Tiềm năng dồi dào như vậy nhưng du lịch ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm. Theo Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2006-2015, khách du lịch đến vùng ĐBSCL tăng trung bình 11%/ năm; trong đó, khách du lịch quốc tế tăng 8,45%/ năm, khách du lịch nội địa tăng 11,98%. Tổng doanh thu từ khách du lịch tăng trung bình 23,6%/ năm. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng con số tuyệt đối vẫn còn khiêm tốn. Năm 2015, vùng ĐBSCL đón tiếp và phục vụ trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 sau các vùng: Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ; chiếm 8,27% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2015, tổng số khách nội địa đến các địa phương trong vùng hơn 18 triệu lượt, đứng thứ 3 trong cả nước, sau Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc và vùng Đông Nam bộ. Tổng thu từ khách du lịch toàn vùng ĐBSCL năm 2015 đạt 8.636 tỉ đồng, tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm 3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước. ĐBSCL đứng ở vị trí trung bình so với các vùng khác trên cả nước về lượng khách du lịch nhưng lại xếp ở vị trí cuối cùng về giá trị tổng thu từ khách.
Vì sao du khách quốc tế đến ĐBSCL còn ít?
Hội thảo phát triển du lịch ĐBSCL do Tổng cục Du lịch tổ chức tại Hậu Giang mới đây, xác định nguyên nhân chính ĐBSCL chưa thu hút được khách nước ngoài là: sản phẩm du lịch vùng còn đơn điệu, chưa tương xứng tiềm năng của vùng và còn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững; xúc tiến du lịch của vùng còn nhiều hạn chế và thiếu chuyên nghiệp; chưa tạo dựng được thương hiệu du lịch cho toàn vùng
Đặc biệt là mảng Inbound du lịch còn bỏ ngỏ.
“Thế giới sông nước Mekong” đã từng được Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn top 10 điểm đến giá trị nhất trong năm 2012. Tiếp theo, năm 2015, ĐBSCL được Tạp chí Rough Guides của Anh bình chọn là top 10 điểm đến “giá trị nhất” năm 2015.
|
Theo Vụ Lữ hành- Tổng cục Du lịch, ĐBSCL mới có 33 doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong tổng số 1.559 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước, chiếm khoảng 2,1%. Tiền Giang có số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhiều nhất: 14 doanh nghiệp. Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Long An và Sóc Trăng không có doanh nghiệp lữ hành quốc tế nào. Các doanh nghiệp lữ hành của vùng hiện nay chủ yếu đóng vai trò nối tour cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở những trung tâm du lịch lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Cũng theo đánh giá của Vụ Lữ hành, lực lượng kinh doanh lữ hành của các tỉnh, thành ĐBSCL còn ít, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chưa trực tiếp khai thác, thu hút được khách; ít nghiên cứu, tiếp cận và thâm nhập thị trường nước ngoài.
Ông Phan Xuân Anh, một chuyên gia tổ chức lữ hành quốc tế, cho rằng: Có quá ít công ty lữ hành tại miền Tây khai thác thị trường khách Inbound, do tâm lý ngán ngại, mất thời gian công sức khai thác xa xôi, tốn kém mà kết quả mong manh. Ngoại ngữ yếu cũng là trở lực trong giao tiếp với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, khai thác Inbound phải có bảo hiểm cao và quan hệ chặt chẽ với khách sạn, nhà hàng mới mong có giá tốt. Nên chăng, các địa phương miền Tây ngồi lại với nhau, tìm cách thu hút hiệu quả hơn nguồn khách Inbound dựa trên sự hoàn thiện và tăng tần suất của sân bay Cần Thơ với các quốc gia lân cận, tuyến đường cao tốc nối TP Hồ Chí Minh
Để làm được điều đó, cả chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp phải mạnh dạn đề ra các dự án khả thi và thực tâm dồn công sức, trí tuệ thực hiện.
HUỲNH BIỂN