24/04/2009 - 07:54

Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ngày 23-4, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 8. Dự kiến, trong ba ngày làm việc, Ủy ban sẽ thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới (BĐG), quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH); thẩm tra các Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh, Dự án Luật Người cao tuổi; cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo hoạt động của Ủy ban từ kỳ họp thứ IV đến kỳ họp thứ V của Quốc hội; dự kiến chương trình hoạt động của Ủy ban từ nay đến cuối năm 2009; thảo luận vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự và các Dự án Luật khác trình Quốc hội tại kỳ họp thứ V.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban tập trung thảo luận thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu BĐG và việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH.

Về việc thực hiện các mục tiêu BĐG, các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ, khẳng định những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một “điểm sáng” về việc thực hiện BĐG, nâng cao quyền con người, xóa đói giảm nghèo. Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của Liên Hiệp Quốc cho thấy, Việt Nam hiện có chỉ số phát triển con người (HDI) ở hạng trung bình, với chỉ số là 0,733. So với năm trước (2006/2007), Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 109 lên 105 trong tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng được Liên Hiệp Quốc đánh giá là nước có nhiều tiến bộ trong cải thiện công bằng giới, chỉ số bình đẳng giới (GDI) là 0,732, tương đương 99,9% giá trị của HDI. Vấn đề BĐG đã được quy định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hệ thống pháp luật cũng như các công ước quốc tế có liên quan. Trong một số năm gần đây, Đảng, Nhà nước cũng ban hành thêm nhiều chính sách, pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thúc đẩy BĐG ngày một tốt hơn... Tuy nhiên, cho đến nay, phụ nữ vẫn là nhóm xã hội yếu thế so với nam giới. Các mục tiêu quốc gia vẫn được xem là một ưu tiên quan trọng nhằm thúc đẩy BĐG ở Việt Nam. Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tới việc tiếp cận BĐG trong các nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt là các nhóm xã hội yếu thế; cập nhật thường xuyên và đầy đủ các dữ liệu, thông tin về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia; sớm nghiên cứu và tổng kết, đánh giá nhằm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định về tuổi nghỉ hưu chênh lệch giữa nam và nữ cho phù hợp với thực tiễn; quan tâm các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới nói chung và cả các mục tiêu cụ thể thuộc phạm vi các biện pháp “đặc biệt tạm thời” (được quy định tại Điều 4 của Công ước CEDAW nhằm thúc đẩy việc thực hiện BĐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình). Các thành viên Ủy ban cũng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm tới việc lồng ghép giới trong quá trình soạn thảo, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung thêm các thông tin về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia trong một số vấn đề xã hội đang nổi lên như: nạn buôn bán người, bạo lực trên cơ sở giới, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, tình trạng mất cân đối giới tính tại các địa phương, lao động nữ tại các khu công nghiệp...

Về quản lý, sử dụng quỹ BHXH, các thành viên Ủy ban khẳng định những nỗ lực đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực hoạt động này. Hai năm qua, đối tượng tham gia BHXH được tiếp tục mở rộng, đạt tỷ lệ thu cao. Năm 2006 có 6,746 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, năm 2007 đã tăng lên 8,173 triệu và năm 2008 là 8,7 triệu người... Năm 2007, số thu từ đóng góp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) vào Quỹ BHXH đạt gần 23.755 tỉ đồng (tăng 27% so với năm 2006 và tăng 5,4% so với chỉ tiêu được giao). Năm 2008, số thu này đạt gần 30.217 tỉ đồng (tăng 27% so với năm 2007 và tăng 6% so với chỉ tiêu giao). Số thu BHXH tự nguyện trong năm 2008 là 9,5 tỉ đồng...

Việc chi trả các chế độ BHXH cho NLĐ kịp thời, đầy đủ với thủ tục được quy định rõ ràng và đơn giản hơn. Năm 2007 có trên 106.200 NLĐ hưởng BHXH hằng tháng; 204.000 người hưởng BHXH một lần, trợ cấp một lần. Năm 2008, số người hưởng BHXH hằng tháng tăng lên trên 120.000 người và hưởng BHXH một lần, trợ cấp một lần là 382.00 người (tăng 87% so với năm 2007). Bên cạnh đó, số hưởng chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...) của năm 2007 là hơn 3 triệu lượt người và năm 2008 là hơn 3,4 triệu lượt người... Quỹ BHXH được bảo toàn và sử dụng đúng mục đích, công tác giải quyết chế độ BHXH được từng bước đổi mới...

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết