30/06/2011 - 08:46

Khai mạc phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 29-6, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 41, cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với cách đánh giá của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội và nhấn mạnh trong bối cảnh cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta và tiếp tục diễn biến phức tạp, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống nhân dân, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhóm giải pháp cấp bách với chính sách tài khóa, tiền tệ đặc thù cho năm 2009, chuyển từ mục tiêu kiềm chế lạm phát với chính sách tiền tệ thắt chặt sang mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế với chính sách tiền tệ nới lỏng, thận trọng, linh hoạt. Nhờ việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế nước ta đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, ngăn chặn được suy giảm kinh tế. Đến cuối năm 2009, đầu năm 2010, kinh tế Việt Nam đã được phục hồi và tăng trưởng, vượt qua khủng hoảng tài chính, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đề ra.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 39, Dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau khi tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý gồm 6 chương, 40 điều (Dự thảo Pháp lệnh cũ gồm 41 điều), tập trung vào các vấn đề phạm vi điều chỉnh; quản lý, sử dụng vật liệu nổ; nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; vấn đề cá nhân sở hữu súng, đạn.

Tiếp tục phiên họp 41, chiều 29-6, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 cần được đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và tổ chức bộ máy nhà nước đồng bộ với những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Nguyên tắc lựa chọn đưa vào Chương trình là các dự án luật, pháp lệnh còn lại trong Chương trình nhiệm kỳ khóa XII nhưng chưa được xem xét, thông qua; các dự án phải được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tốt và đảm bảo các yêu cầu, quy định. Theo đó, Chính phủ đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 gồm tổng số 52 dự án (47 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh); trong đó có 33 dự án thuộc Chương trình chính thức và 19 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị. Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 7 dự án vào Chương trình năm 2011 là: Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến thủ tục hành chính của các luật; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh liên quan đến thủ tục hành chính của các pháp lệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật Cơ yếu; Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết của UBTVQH về việc ban hành biểu mức thuế bảo vệ môi trường.

Đa số các ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhấn mạnh yêu cầu: Cùng với tăng số lượng cần hết sức quan tâm đến nâng cao chất lượng các dự án trong Chương trình. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, nên bố trí thời gian xem xét gần nhau để tránh độ “vênh” giữa các dự án luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quan tâm đến nhóm các luật, pháp lệnh liên quan đến các lĩnh vực đang được xã hội quan tâm như: đất đai, quản lý và sử dụng tiền và tài sản công, quy hoạch; đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những hạn chế trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị trong quá trình soạn thảo, Chính phủ cần thảo luận, bàn bạc kỹ, thống nhất để đảm bảo sự nhất quán khi trình ra Quốc hội, tránh tình trạng còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan thành viên Chính phủ. Ông Trần Thế Vượng cũng đồng tình cần hết sức quan tâm đến chất lượng bởi hiện nay còn nhiều luật hoặc nhiều nội dung trong từng luật thiếu thống nhất về nội dung, chất lượng chưa cao...

NGUYỄN BÍCH THỦY-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết