22/12/2014 - 21:45

Khai mạc Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

(TTXVN)- Sáng 22-12, Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Diễn ra trong 2 ngày, Phiên họp sẽ tiến hành đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 8, cho ý kiến, xem xét về 4 dự án Luật và 2 dự án Pháp lệnh.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau khi tiến hành đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, trên cơ sở đó, tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu vào nội dung kỳ họp thứ 9, kỳ họp đầu năm 2015.

Trong số các dự án Luật, Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này, đáng chú ý là Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa rộng lớn, bao trùm mọi giao dịch, quan hệ dân sự của người dân trong đời sống hàng ngày. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trên tinh thần Hiến pháp 2013, việc tiến hành sửa đổi đạo luật này là rất hệ trọng, cần được tổ chức lấy ý kiến nhân dân đầy đủ, hiệu quả và chất lượng.

Ngoài ra, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét chương trình công tác năm 2015 về đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Trong buổi làm việc đầu tiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Đây là dự thảo đã được cho ý kiến tại Phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ thông qua tại Phiên họp thứ 33 này. Tuy nhiên, sau khi xem xét, thảo luận, đánh giá nhiều mặt về nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục hoàn thiện dự thảo để thông qua vào lần sau.

Góp ý tại buổi thảo luận, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án trong dự thảo; quy định cụ thể về hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa, tránh rườm rà, nặng nề về thủ tục hành chính…

Cũng trong buổi sáng 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án: Luật ban hành văn bản pháp luật và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần nhiều thời gian cho ý kiến về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân định định nghĩa và khái niệm trong dự án luật là yếu tố quyết định phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Một số ý kiến đề nghị, rà soát lại toàn bộ nội dung của dự án Luật, xác định thẩm quyền ban hành pháp luật từ đó xác định rõ phạm vi của dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sau.

Cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày.

Về Tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 6), đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án 2: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức thành hệ thống theo các cấp hành chính. Ở mỗi cấp có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, nên cân nhắc việc tổ chức Mặt trận Tổ quốc theo các cấp hành chính, bởi lẽ, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức đại diện cho dân, việc tổ chức Mặt trận Tổ quốc phải gần dân, mềm dẻo, linh hoạt.

Chia sẻ bài viết