17/07/2009 - 07:17

Khai mạc Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

* Cho ý kiến Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh     và Dự án Luật Người cao tuổi
* Cải tiến, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng chủ động

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII; cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Người cao tuổi và Luật Dân quân tự vệ. Thường vụ cho ý kiến về: Phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009; Việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng; Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án Quân sự trung ương; Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự trung ương...

Cũng trong sáng 16-7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Người cao tuổi.

Tên gọi của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Đình Đàn (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng căn cứ vào đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật là người khám bệnh, chữa bệnh thì tên gọi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp. Nếu tên gọi là Luật Hành nghề y thì phạm vi chỉ bó hẹp một vấn đề là không phù hợp. Về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành quy định theo hướng cấp chứng chỉ và giấy phép hoạt động một lần; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước sau khi cấp chứng chỉ và giấy phép. Nếu có sự vi phạm phải xử lý nghiêm minh. Các đại biểu cho rằng việc định kỳ 3-5 năm cấp lại hay gia hạn chứng chỉ hay cấp phép là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí, phiền hà... Xung quanh thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, một số ý kiến tán thành với Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế cấp cho cán bộ y tế ở cơ sở y tế do Bộ Y tế quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam; Giám đốc Sở Y tế cấp cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế và chứng chỉ có giá trị toàn quốc. Tương tự như vậy thì nên giao Sở Y tế thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan y tế trên địa bàn quản lý; Bộ Y tế cấp giấy phép cho bệnh viện thuộc Bộ và bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số ý kiến của các đại biểu đồng tình với quy định theo hướng cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm thêm ngoài giờ để tận dụng được chất xám, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y; đồng thời giảm tải tại các bệnh viện công. Đại biểu Trần Đình Đàn đề nghị Dự án Luật cần quy định làm rõ nội dung y đức của y bác sĩ, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Thời gian còn lại của buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Người cao tuổi. Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự án là chỉ quy định về người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không quy định đối với người cao tuổi là người nước ngoài. Việc quy định này phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi ở nước ta cũng như khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước và các điều kiện khác nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật. Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội) tán thành với quy định thống nhất độ tuổi xác định người cao tuổi là 60.

Đối với hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi, đại biểu Phùng Quốc Hiển đề nghị cần cân nhắc vấn đề này để đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật. Việc giảm giá dịch vụ đối với người cao tuổi chỉ nên quy định đối với những dịch vụ có sử dụng ngân sách nhà nước; quy định rõ giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi thì Nhà nước phải hỗ trợ hoặc được tính vào chi phí hợp lý để đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ. Vấn đề này, Ủy ban về Các vấn đề xã hội cho rằng nên hỗ trợ giảm giá một số dịch vụ cho người cao tuổi nhằm đáp ứng một phần nhu cầu chính đáng đối với nhóm đối tượng không còn tham gia lao động. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết cho các đối tượng người cao tuổi cũng như mức độ hỗ trợ giảm giá, lĩnh vực hỗ trợ để phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XII.

Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội (VPQH), dự kiến tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua 8 dự án luật, trong đó có 2 dự án thông qua theo quy trình tại một kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Thuế tài nguyên; cho ý kiến vào 12 dự án luật. Các dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuyển sang chương trình chuẩn bị của năm 2010. Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đã rút khỏi chương trình năm 2009-2010. QH sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác như báo cáo công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước....

Các ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với dự kiến nội dung chương trình kỳ họp; đồng thời lưu ý một số vấn đề như: cương quyết hơn đối với những nội dung đề nghị đưa vào chương trình nhưng chưa chuẩn bị kỹ; xem xét thêm việc 1 luật sửa nhiều luật; cơ quan nào chịu trách nhiệm tập hợp, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri...

UBTVQH cũng nêu rõ những vấn đề cần quan tâm, rút kinh nghiệm như: có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan hữu quan trong công tác chuẩn bị; tiếp tục nghiên cứu cải tiến, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng chủ động. Quy trình chuẩn bị, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng cần cải tiến để bảo đảm hiệu quả, giảm dần tính hình thức, thực sự phát huy vai trò của QH. Về cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp, rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nội dung chương trình, thảo luận ở hội trường cần chú trọng tranh luận, phản biện...

QUỲNH HOA-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết