18/03/2013 - 21:57

Khai mạc phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Ngày18-3, phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Đề án tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội; công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai trình bày cho thấy Luật thuế GTGT (sửa đổi) thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi trong hệ thống chính sách và quá trình phát triển kinh tế, một số quy định của luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo thống nhất với một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều vấn đề phát sinh chưa được điều chỉnh.

Đa số các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội tán thành với việc giữ nguyên 3 mức thuế suất 0%, 5%, 10%, chưa áp dụng thống nhất một mức thuế suất, song Chính phủ cần rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020. Các ý kiến cũng đề nghị dù thông qua tại một hay hai kỳ họp thì Luật cũng cần có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 để phù hợp với các Luật khác và năm tài khóa.

Tại phiên họp, Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối với việc đồng ý giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp; nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh phải tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, phải cải cách thủ tục hành chính với tinh thần tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư.

m Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với quy định về thuế suất, dự thảo luật giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong Luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Cụ thể: Giai đoạn 2014-2015 thuế suất 23%, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%. Giai đoạn 2016-2020 áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được ưu đãi ở mức cao hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc mở rộng diện được ưu đãi thuế nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ với quy định tại các văn bản pháp luật liên quan, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đối với một số địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực khác.

Cũng trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Về tên gọi của dự án luật, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên Luật như hiện hành là "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" vì Hiến pháp đã quy định về trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hai cụm từ này có quan hệ mật thiết với nhau, đã thực hành tiết kiệm là chống được lãng phí, ngược lại chống lãng phí cũng là biện pháp để thực hành tiết kiệm. Giữ tên gọi của luật như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất với quy định của Hiến pháp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng dự thảo luật đã được bổ sung nhiều nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa hơn so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, đối chiếu với các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Luật hiện hành thì dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu sửa đổi... Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu quy định của dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với các luật hiện hành, bao quát mọi vấn đề liên quan đến hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực, tạo căn cứ cho áp dụng và xem xét trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Chu Thanh Vân-phúc hằng (TTXVN)

Chia sẻ bài viết