* Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh
Sáng 15-1, phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tại phiên họp lần này, UBTVQH sẽ tập trung vào các nội dung chính: xem xét, thông qua Nghị quyết về danh sách các huyện, quận, phường của một số tỉnh trực thuộc T.Ư thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và Nghị quyết về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND quận, huyện, phường nơi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; tiếp tục cho ý kiến vào 2 dự án luật sẽ được trình tại kỳ họp QH thứ 5 là Luật Điện ảnh và Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH cũng sẽ xem xét, cho ý kiến vào việc nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân.
Trong phiên làm việc ngay sau khai mạc, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu tập trung xem xét, thông qua Nghị quyết về danh sách các huyện, quận, phường của một số tỉnh trực thuộc T.Ư thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và Nghị quyết về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND quận, huyện, phường nơi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.
Tờ theo trình của Chính phủ, dự kiến sẽ có 10 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sẽ được chọn để tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên toàn địa bàn bao gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang với tổng cộng 67 huyện, 32 quận và 483 phường. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp trước, Chính phủ đã có giải trình cụ thể về các căn cứ của việc lựa chọn số lượng cũng như phạm vi địa bàn sẽ tiến hành thí điểm. Theo đó số lượng các địa phương thực hiện thí điểm đảm bảo thích hợp để có cơ sở khoa học đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm; mang tính đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, đảm bảo có cả đô thị và nông thôn, có tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi, có tỉnh vùng biên giới; có địa phương có kết quả thực hiện KT-XH và cải cách hành chính tốt, có nơi còn khó khăn và thực hiện nhiệm vụ ở mức bình thường.
Vấn đề mới được đề cập tại phiên họp là việc đưa các phường thuộc thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh vào diện thí điểm có trái với các Nghị quyết trước đó không. Sau khi nghe các ý kiến tranh luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận, tuy còn nhiều tranh cãi song quan trọng nhất là thống nhất về mục đích của việc thực hiện thí điểm nhằm xây dựng hệ thống chính trị thông thoáng, gọn nhẹ, thực sự có hiệu lực. Cơ bản nhất trí với việc chọn làm thí điểm về phạm vi, số lượng, tiêu biểu cho các vùng miền, Chủ tịch QH đánh giá việc làm trọn gói ở mỗi địa phương sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai, dễ thực hiện. Về cấp ngân sách, đã có nơi lập dự toán thì phải có cơ quan phê chuẩn, quyết định, phê duyệt. Chủ tịch QH nêu ý kiến nên quyết định theo hướng phê chuẩn, có thể giao cho Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn nhưng phải có quy định về thời gian để vừa theo quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn lại không bó tay cấp dưới. Về vấn đề các phường thuộc thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có thực hiện thí điểm, Chủ tịch QH cho rằng nên dừng lại để tiếp tục xem xét; các cơ quan liên quan cùng trao đổi, rà soát lại các quy định cho chắc chắn để trình lại UBTVQH. Như vậy, các Nghị quyết liên quan đến việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường sẽ được UBTVQH xem xét thông qua vào chiều nay, 16-1.
* Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15-1, đa số ý kiến cho rằng: Ngành Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, tác động trực tiếp đến tư tưởng, văn hóa và lối sống đối với công chúng. Do vậy, để hạn chế những tác động tiêu cực, Luật Điện ảnh cần hoàn chỉnh theo hướng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho ngành phát triển sống động hơn, góp phần nâng cao tinh thần, lối sống cho nhân dân, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, hình thành nhân cách đối với thế hệ trẻ...
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật lần này sửa theo hướng cho phép thành lập liên doanh với nước ngoài trong cả ba lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim với phần góp vốn của nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định, đúng như cam kết với WTO. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Luật Điện ảnh đưa ra một số quy định nhằm hạn chế nhập khẩu phim. Theo Điều 30 của Luật, doanh nghiệp sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim và các đài truyền hình được nhập khẩu phim. Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, số lượng phim nhập khẩu không vượt quá 2 lần số lượng phim phải có rạp; đối với các đài truyền hình, số tập phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số tập phim sản xuất. Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh đã bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim, cụ thể “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu”.
THU HƯƠNG - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)