09/11/2013 - 09:40

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013

* Cần sự vào cuộc của "4 nhà" trong đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp

(CT)- Ngày 8-11, Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013 dưới sự chủ trì của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND TP Cần Thơ đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế TP Cần Thơ.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, TP Cần Thơ tham quan các sản phẩm máy nông nghiệp trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013.

Với chủ đề: "Hợp tác đầu tư, phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới", hội chợ thu hút gần 450 gian hàng của 200 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hội chợ là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm mới, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, chế biến công, nông nghiệp và bảo quản sau thu hoạch; các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ; giới thiệu các dự án NN&PTNT, mô hình "Cánh đồng lớn", xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL… Hội chợ mang ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc đẩy mạnh sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, gắn kết giữa các doanh nghiệp-người tiêu dung; tìm ra giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thế mạnh xuất khẩu của thương hiệu nông sản Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác kinh doanh… Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra hội thảo; chương trình hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết hợp tác, tư vấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp trực tiếp cho nông dân, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn, họp mặt "4 nhà"; trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp NN&PTNT"; giao lưu nghệ thuật…

* Ngày 8-11, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững".

Theo các chuyên gia đầu ngành, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL có xu hướng đa dạng hóa tổ chức sản xuất dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ; gắn kết nông dân và doanh nghiệp, giữa vùng sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, chuỗi giá trị sản xuất nông sản vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là mối liên kết "4 nhà" vẫn còn lỏng lẻo. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương bằng những chính sách thiết thực, lâu dài. Ngành nông nông nghiệp các tỉnh, thành tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất với hình thức phù hợp như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ… nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý và liên kết với doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cần có ý thức xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển thương hiệu, mở rộng và duy trì thị trường bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Để giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các địa phương cần đẩy mạnh phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ về giống, cơ giới hóa, khuyến nông; hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau thiên tai, dịch hại…

Tin, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết