(TTXVN) - Sáng 19-9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội (KTXH) Việt Nam năm 2023, với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu tham dự trực tiếp. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phát triển KTXH
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023; nhận diện cơ hội, những rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) mà nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phải đối mặt trong năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp thực chất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách hữu hiệu giúp khu vực kinh tế tư nhân nắm bắt và tận dụng, cụ thể hóa cơ hội, khắc phục các khó khăn, thách thức, hướng tới thực hiện thắng lợi sứ mệnh là động lực quan trọng trong sự phát triển KTXH của đất nước…
Chia sẻ về những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, TS Hồ Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân luôn thiếu vốn. Ðể giải quyết vấn đề vốn, TS Hồ Tùng Mậu đề xuất, Chính phủ cần xem xét, ban hành một số gói kích thích kinh tế. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất, trong đó đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện gói này. Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khóa, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương.
Về tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ cần quán triệt quan điểm và mục tiêu nâng cao năng lực, tính độc lập, tự chủ trong sản xuất kinh doanh với các nhóm giải pháp. Cơ cấu lại nền kinh tế; sử dụng linh hoạt, hợp lý, hiệu quả các công cụ của chính sách tài khóa, tiền tệ; củng cố ổn định vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biến động bên ngoài. Cùng với đó, tái cơ cấu, nâng cao năng lực, tính độc lập tự chủ trong đầu tư, cải thiện thể chế đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư; sàng lọc, rà soát kỹ, tăng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài...
Theo TS Nguyễn Ðình Ðáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về khơi thông nguồn lực khoa học, công nghệ, tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển KTXH, đóng góp tích cực trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên...

Các đại biểu trao đổi tại Phiên thảo luận chuyên đề 01. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Trong một số lĩnh vực, rào cản lớn nhất đối với việc nhập khẩu công nghệ mới, vật liệu mới chính là thiếu hành lang pháp lý cho việc áp dụng thử nghiệm vào các dự án, dây chuyền sản xuất; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước còn lạc hậu quá xa so với trình độ khoa học và công nghệ của thế giới; thiếu hệ thống đơn giá định mức mở cho việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới.
Do vậy, theo TS Nguyễn Ðình Ðáp, để tháo gỡ được các “nút thắt”, một số giải pháp liên quan tới khoa học - công nghệ, Việt Nam cần thí điểm chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng cho các dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ tiên tiến có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao vào sản xuất kinh doanh, phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Ðặc biệt, cần có ưu đãi nguồn vốn vay và thuế cho phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh hoặc công nghệ cao kết hợp công nghệ xanh để thúc đẩy phát triển công nghệ lõi nội tại.
Khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định lựa chọn vấn đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” làm chủ đề cho Diễn đàn KTXH Việt Nam 2023.
Diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày với phiên khai mạc, phiên toàn thể, phiên chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và phiên chuyên đề 2 về “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”. Chủ tịch Quốc hội cho biết, căn cứ vào các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc 23-10 và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển KTXH của đất nước.
|
Với tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực để nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết, nhìn vào thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam, có hai vấn đề lớn đặt ra.
Ðó là động lực tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân. Năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh.
Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ðình Thiên cho rằng cần định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực - ngoại lực” của Ðảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin - cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực.
Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt thị trường đất đai, tài chính tiền tệ; đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật để không làm tổn thương kinh tế thị trường và hệ thống quản trị điều hành; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Trình bày tham luận “Tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ðậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến một số rào cản, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai); chi phí sản xuất kinh doanh; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật; hạn chế trong phát triển của các doanh nghiệp sản xuất nội địa; bất lợi của doanh nghiệp tư nhân trong nước…
Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên đưa ra đề xuất về chính sách thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay. Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, nhiều giải pháp kịp thời được đưa ra nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Lãi suất sau 4 lần điều chỉnh đã giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao. Do đó, cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn. Các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để TP Hồ Chí Minh triển khai trung tâm tài chính. Ðề xuất tiếp theo là dỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp. Các cơ quan cần rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp…
Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới
Ông Felix Weidencaff, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trình bày tham luận về “Ðộng lực tăng năng suất ở Việt Nam: Vai trò của thể chế, chính sách thị trường lao động”. Theo ông Felix Weidencaff, xu hướng năng suất lao động trong viễn cảnh toàn cầu có xu hướng giảm dài hạn. Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất lao động trong tất cả các ngành nghề, khu vực. Theo đó, chuyển đổi kinh tế cần đi đôi với chuyển đổi việc làm; cách tiếp cận ở cấp vĩ mô đòi hỏi đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực chiến lược, từ đó có động lực thay đổi mang tính chuyển đổi. Ðồng thời, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thể chế và chính sách thị trường lao động để giải quyết thách thức kép trong duy trì tăng trưởng năng suất và đảm bảo tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều việc làm.
Theo chuyên gia của ILO, các thể chế, chính sách cần tập trung tăng chất lượng nguồn nhân lực, cũng như khả năng tiếp cận thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các chính sách chủ động về lao động có vai trò quan trọng để tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội việc làm cho tất cả mọi người, từ đó tạo ra năng suất lao động cao hơn. Việt Nam nên thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu về tăng năng suất…
“Ðể tạo việc làm năng suất và việc làm bền vững, cần chú ý phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường phối hợp với chính sách ở các lĩnh vực khác như thông tin thị trường lao động, bảo hiểm xã hội…”, ông Felix Weidencaff nói.