06/09/2013 - 13:48

BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT CAO ĐỨC PHÁT

Khắc phục căn cơ kinh tế nông hộ, nhỏ lẻ, tự phát hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

(CT)- Như tin đã đưa, ngày 5-9, tại TP Cần Thơ tiếp tục diễn ra Hội thảo Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục khẳng định xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời kiến nghị các vấn đề về cơ chế, chính sách, các giải pháp quan trọng… Nhiều ý kiến cho rằng, mắt xích quan trọng nhất là liên kết doanh nghiệp và nông dân. Để gắn kết mối liên kết này, đầu tiên phải đi từ doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để định hướng sản xuất, hỗ trợ đầu vào, giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân. Nhưng, đặc thù trong sản xuất nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro từ điều kiện tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh… nên nhiều doanh nghiệp còn ngán ngại đầu tư. Giải quyết vấn đề này, nhà nước phải có các cơ chế, chính sách thật sự thu hút được doanh nghiệp: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến… cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên nhiều hơn các nguồn vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp để ứng vốn cho nông dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Cần xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong liên kết, ký kết các hợp đồng đầu tư cho sản xuất, tiêu thụ nông sản… Ngoài ra, cần quan tâm đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ hợp tác xã có tâm huyết, gắn bó và hỗ trợ để nâng cao thu nhập cho nông dân… Để lập lại trật tự trong sản xuất nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, trên quy hoạch tổng thể, ngành nông nghiệp sớm ban hành, triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết cho từng vùng sản xuất; có chính sách cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn, như: hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện…

Phát biểu tại hội thảo, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thống nhất quan điểm tổ chức lại sản xuất để đưa “tam nông” phát triển bền vững. Cần tổ chức các hình thức liên kết đa dạng, bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ… Ví dụ, ngoài hình thức doanh nghiệp cung ứng vật “đầu vào” và bao tiêu “đầu ra”, còn có thể tổ chức hình thức gia công, góp vốn, góp đất, hợp tác đầu tư, mua cổ phiếu… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đúc kết: Nền nông nghiệp hiện đại không thể phát triển mạnh mẽ nếu không khắc phục căn cơ của kinh tế nông hộ nhỏ lẻ, tự phát. Muốn làm ăn lớn phải liên kết lại. Nhu cầu hợp tác, liên kết không chỉ của nhà nông mà của các doanh nghiệp để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm lợi cho nhân dân, cho quốc gia… Với những hiệu ứng tích cực từ mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị  đề ra các cơ chế, chính sách và các tiêu chí cụ thể để phát triển và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành hữu quan xem xét, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về miễn giảm thuế; tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn… phục vụ đắc lực công tác dự báo, hỗ trợ, bảo vệ thị trường nâng cao giá trị,tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới.

LONG- THANH

 

Chia sẻ bài viết