02/07/2015 - 21:13

Kêu gọi đầu tư vào du lịch xanh ĐBSCL

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: "ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng, nếu không có đầu tư về trí tuệ, về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tài chính và công nghệ". Hội nghị do Phó Thủ tướng chủ trì đã kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL.

* Đầu tư cho du lịch còn thấp

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của vùng ĐBSCL trong thời gian qua rất khiêm tốn. Về đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung phục vụ phát triển du lịch vùng bằng ngân sách giai đoạn 2011-2015, chỉ đạt 464 tỉ đồng, bình quân mỗi năm chưa đến 100 tỉ đồng. Các khoản đầu tư này chủ yếu dành phát triển hạng mục kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên. Ngoài ra, cũng có đầu tư của tư nhân nhưng còn manh mún và chủ yếu tập trung phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, thương hiệu và hạ tầng chức năng thuộc khu, điểm du lịch.

Hiện ĐBSCL có 1.007 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 12 tỉ USD. Nhưng, lĩnh vực du lịch chỉ có 13 dự án với vốn đăng ký 147 triệu USD, chiếm 1,29% dự án và 1,22% vốn FDI đầu tư vào vùng này. Về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chính thức (ODA) giai đoạn 2010- 2015, cả vùng thu hút được 4 dự án trong lĩnh vực du lịch với tổng vốn 80,4 triệu USD, nhưng chưa có dự án dành cho phát triển tổng thể du lịch. Chỉ có một vài tỉnh nằm trong Hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng được thụ hưởng dự án.

Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương (trái) ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Công ty cổ phần Lan Anh Phú Quốc Cần Thơ.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã đầu tư vốn phát triển du lịch xanh thông qua các dự án: cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống thu gom nước thải, chất thải ; quy hoạch lại hệ thống miệt vườn,… Đến quý 1-2015, dư nợ tín dụng ngành du lịch vùng ĐBSCL đạt 2.226 tỉ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng ngành du lịch cả nước. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: "Hoạt động tín dụng cho du lịch xanh ĐBSCL gặp nhiều khó khăn: nhận thức và năng lực nội tại của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực tín dụng xanh còn hạn chế dẫn đến việc thẩm định các dự án du lịch xanh không ảnh hưởng tới môi trường chậm trễ; vốn đầu tư cho du lịch xanh rất lớn và thường là vốn trung và dài hạn".

ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch chiến lược của nước ta tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030. Việc ưu tiên phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ các giá trị truyền thống và môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường, có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm chất lượng du lịch. Hơn nữa, trong bối cảnh ĐBSCL chịu tác động từ biến đổi khí hậu, du lịch xanh càng có vai trò quan trọng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững cho toàn vùng. Để du lịch ĐBSCL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng và cả nước thì việc huy động mọi nguồn lực đầu tư vào các dự án phát triển du lịch xanh tại ĐBSCL là rất quan trọng. Tuy nhiên, PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng, ngành du lịch của vùng còn gặp nhiều khó khăn do: chính sách thu hút đầu tư du lịch xanh chưa thật sự hấp dẫn, quy trình thủ tục xem xét phê duyệt dự án đầu tư vào du lịch xanh còn phiền hà, năng lực quy hoạch phát triển du lịch xanh ở cả cấp Trung ương và địa phương còn hạn chế…

* Ưu đãi nhiều hơn cho dự án du lịch xanh

ĐBSCL hiện có 62 dự án du lịch xanh kêu gọi đầu tư với tổng số vốn là 11.862,5 tỉ đồng và 714,9 triệu USD. Đây là những dự án trọng điểm, ưu tiên: Khu du lịch sinh thái Cồn Khương, Phong Điền (Cần Thơ); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Phụng, Cồn Quy (Bến Tre); khu du lịch sinh thái ven biển Gành Hào (Bạc Liêu); khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên (An Giang); khu du lịch Quần đảo Bà Lụa (Kiên Giang)… Làm thế nào để thu hút được một nguồn vốn lớn đầu tư vào những dự án này?

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục Trưởng Tổng cục du lịch, đề xuất trong thời gian tới cần nâng cao năng lực tư vấn quy hoạch du lịch xanh, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, nhà chuyên môn du lịch. Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển du lịch xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng. Những chính sách này trước hết tập trung cải cách hành chính trong đăng ký kinh doanh, ưu đãi về thuế, tăng thời gian sử dụng đất đai cho vòng đời dự án, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng đến vùng dự án.

Trong khi đó, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với Chỉ thị 03/CT-NHNN, ngành ngân hàng tập trung ưu tiên phát triển tín dụng để phát triển du lịch xanh trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL. Trước mắt, để đảm bảo nhu cầu vốn phát triển du lịch vùng ĐBSCL nói chung và du lịch xanh nói riêng, ngành ngân hàng thông qua tài trợ cho các đơn vị thi công bằng phương thức BT (hợp đồng xây dựng, chuyển giao), BOT (hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), sẽ tích cực cấp tín dụng ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, gồm: các dự án phát triển kết cấu hạ tầng (cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông; nạo vét kênh rạch trên các tuyến tham quan đường sông; nâng cấp bến tàu) và các dự án xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất (xây dựng không gian bảo tàng lúa ĐBSCL tại Vĩnh Long, nâng cấp Bảo tàng Khmer tại Trà Vinh, đầu tư đóng tàu ngủ đêm trên sông…). Tiếp đến, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan xem xét một số dự án du lịch xanh để xây dựng danh mục các dự án trong chương trình thí điểm tín dụng xanh có hỗ trợ một phần lãi suất.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng để phát triển du lịch ĐBSCL, cần lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội gắn với du lịch, trong đó huy động vốn của Nhà nước, xã hội và dân cư để đầu tư hạ tầng đồng bộ hiện đại. Các tỉnh thành trong vùng cần có sự liên kết với nhau để hạn chế trùng lặp, chồng chéo và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL. Nhà nước không phân biệt các nhà đầu tư và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch và đầu tư tài chính, công nghệ. Các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong toàn vùng và trong cả nước về văn hóa ứng xử- văn minh, thân thiện không chạy theo lợi ích trước mắt, không bán đắt; chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là những vấn đề chiến lược lâu dài để phát triển du lịch.

****

Du lịch là ngành "công nghiệp không khói" nhưng nếu khai thác, đầu tư không đúng định hướng, không chỉ làm hạn chế sự phát triển mà còn gây tác động xấu đến môi trường. Để phát triển du lịch xanh, cần phải có sự chung tay, liên kết của các ngành, các cấp; ý thức trách nhiệm của từng người dân; cần có sự đầu tư, quy hoạch cụ thể, trọng điểm. Như thế mới có thể tạo dựng và phát triển môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện.

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết