04/02/2016 - 20:19

Đường bay Cần Thơ- Nha Trang

Kết nối tam giác vàng du lịch Cần Thơ- Nha Trang- Đà Lạt

Đường bay Cần Thơ- Nha Trang (Khánh Hòa) chính thức hoạt động từ ngày 21-1, mở ra triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa TP Cần Thơ và Khánh Hòa. Đồng thời, đường bay này còn kết nối nét đặc trưng của các địa phương: sông nước- phố biển- rừng hoa, tạo nên "tam giác vàng" du lịch Cần Thơ- Nha Trang- Đà Lạt (Lâm Đồng).

* Kết nối "tam giác vàng"

Với sự đồng ý của UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty Du lịch Vietravel phối hợp cùng Công ty bay dịch vụ hàng không- Vasco mở đường bay Cần Thơ- Nha Trang, vận hành từ tháng 1-2016. Các chuyến bay được thực hiện bằng máy bay ATR-72 (67 chỗ) tần suất 3 chuyến/ tuần vào các ngày thứ Ba, Năm và Chủ Nhật, mức giá vé từ 399.000 đồng/ lượt/ khách. Giờ bay xuất phát từ Cần Thơ là 15 giờ 5 phút, còn từ Nha Trang là 17 giờ. Đường bay mới rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương, từ 15 giờ đi bằng xe ô tô xuống còn hơn 1 giờ bay.

Lãnh đạo của TP Cần Thơ và tỉnh Khánh Hòa đều đánh giá đường bay Cần Thơ- Nha Trang là cơ hội tăng cường hợp tác, phát triển trong nhiều lĩnh vực, vì cả hai địa phương đều là "đầu mối" trung chuyển của vùng ĐBSCL và Duyên hải Nam Trung Bộ. Bà Phan Thanh Trúc- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh Khánh Hòa, cho biết, năm 2015, Khánh Hòa đón 4,1 triệu lượt khách, tăng hơn 14% so với năm 2014. Trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 3 triệu lượt và khách đến từ ĐBSCL chiếm hơn 50%; doanh thu du lịch đạt 7.000 tỉ đồng. Với lợi thế bờ biển dài hơn 200km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều vịnh biển đẹp nổi tiếng: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh…, Khánh Hòa phát triển mạnh loại hình du lịch biển, nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, ngoài thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn, Cần Thơ đang dần chuyển mình thành đô thị hiện đại với nhiều dự án đầu tư lớn: khu resort cao cấp, sân golf, các trung tâm thương mại lớn... Năm 2015, TP Cần Thơ đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014; doanh thu đạt trên 1.700 tỉ đồng. Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đón gần 500.000 lượt khách, tăng hơn 157% so với cùng kỳ. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của đường bay Cần Thơ- Đà Lạt và Cần Thơ- Bangkok. Chỉ số lắp đầy trên các chuyến bay này bình quân là 73% và 93%. Do đó, việc mở thêm đường bay Cần Thơ- Nha Trang sẽ mở ra triển vọng mới cho hai địa phương ở nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UNBD TP Cần Thơ, cho rằng: "Đường bay Cần Thơ- Nha Trang không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch của hai địa phương mà còn góp phần vận chuyển các loại nông sản từ Cần Thơ đến Khánh Hòa và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; ngược lại các loại hải sản tươi ngon từ Khánh Hòa sẽ đến với người dân Cần Thơ và ĐBSCL".

 Du khách trên chuyến bay Cần Thơ- Nha Trang.

Đánh giá về sự phát triển du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết: "Việc mở đường Cần Thơ- Nha Trang sẽ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch ở hai địa phương, mở rộng thị trường du khách. Đặc biệt, Cần Thơ và Nha Trang đều kết nối với Đà Lạt, hình thành tam giác vàng liên tuyến với hành trình khám phá: miệt vườn- phố biển- rừng hoa". TP Nha Trang và TP Đà Lạt có con đường mới kết nối là tỉnh lộ 723 dài hơn 130km, rút ngắn hơn 80km so với quốc lộ 27 trước kia. Cung đường này có phong cảnh rất đẹp và hùng vĩ, được mệnh danh là "con đường nối biển và hoa".

* Kỳ vọng đa dạng sản phẩm du lịch

Từ hai đường bay Cần Thơ- Nha Trang, Cần Thơ- Đà Lạt được khai thác, Vietravel chủ động xây dựng bộ sản phẩm du lịch. Theo đó, khởi hành từ Cần Thơ có 6 tour, tuyến mới kết nối với Nha Trang cùng các tỉnh thành Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Ninh Chữ, Phú Yên, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt. Còn từ Nha Trang có 4 đường tour mới kết nối với TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ, cho biết: "Với bộ sản phẩm này, chúng tôi chú trọng giới thiệu nét đặc trưng của mỗi vùng miền. Ở ĐBSCL, chúng tôi có hành trình đến chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ, văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, du lịch mùa nước nổi, tâm linh ở An Giang…; còn ở miền Trung và Tây Nguyên thì mang đến trải nghiệm về văn hóa Chăm ở tháp bà Ponagar, thiên đường giải trí Vinpearland ở Nha Trang, văn hóa cồng chiêng ở Đà Lạt". Tiêu biểu là tour "Hà Nội- Cần Thơ- Châu Đốc- Rừng tràm Trà Sư- Nha Trang- Vinpearl Land- Khoáng nóng I-Resort" (giá từ 7.950.000 đồng/ khách); "Cần Thơ- Nha Trang biển gọi- Đà Lạt cao nguyên xanh" (giá từ 4.299.000 đồng/ khách). Hầu như các chuyến bay Cần Thơ- Nha Trang và Cần Thơ- Đà Lạt dịp Tết Nguyên Đán đã kín chỗ.

Du khách xem đua chó địa hình tại Làng du lịch Mỹ Khánh.

Ông Luyện Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Thương mại tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: "Cần Thơ và Khánh Hòa có sự khác biệt về tài nguyên, văn hóa nên dễ tạo sức hút lẫn nhau. Du lịch ở Khánh Hòa đang "bùng nổ" khách quốc tế, nhất là khách đến từ châu Á và lưu trú dài ngày (khoảng 4-7 ngày), do đó đường bay Nha Trang- Cần Thơ cũng mở ra triển vọng mở rộng thị trường khách quốc tế cho Cần Thơ. Song song đó, Khánh Hòa cũng có nhiều chính sách kích cầu du lịch để thu hút khách nội địa, nhất là khách đến từ ĐBSCL". Trong khi đó, Cần Thơ cũng cố gắng làm mới mình để hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện Cần Thơ có 4 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, 6 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, cho biết: "Sắp tới, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung nâng chất các điểm đến, kêu gọi 4 dự án du lịch ở Phong Điền, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc và vườn cò Bằng Lăng. Chúng tôi đang nghiên cứu chương trình kích cầu du lịch, nhất là các chính sách ưu đãi dành cho các địa phương có kết nối đường bay với Cần Thơ, nhất là Nha Trang và Đà Lạt".

* * *

Đường bay Cần Thơ- Nha Trang mở ra nhiều kỳ vọng cho hai địa phương, nhưng cần duy trì thường xuyên, chứ không phải là những chuyến bay thuê chuyến như hiện nay. Vấn đề này đang được lãnh đạo TP Cần Thơ, tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng tìm giải pháp tháo gỡ. Hy vọng đường bay Cần Thơ- Nha Trang và Cần Thơ- Đà Lạt sẽ được duy trì ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của các địa phương.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết