30/08/2019 - 03:55

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 

(CT)- Ngày 29-8, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (thứ 2 từ trái sang) chủ trì hội nghị và lắng nghe ý kiến phát biểu từ ngân hàng, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (thứ 2 từ trái sang) chủ trì hội nghị và lắng nghe ý kiến phát biểu từ ngân hàng, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cùng các ngân hàng thương mại tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động đối thoại doanh nghiệp, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và đi sâu vào đối thoại trong từng lĩnh vực cụ thể. Các vấn đề khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách cần báo cáo ngay cho NHNN để tham gia hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Các ngân hàng thương mại phải đặc biệt coi trọng vấn đề cải cách thủ tục hành chính, quan tâm đến đối tượng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay hợp tác xã nông nghiệp... Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tin tưởng với những giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về sản xuất, thị trường tiêu thụ, ngày càng phát triển bền vững, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL.

Với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng, đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015-2018. Đến cuối tháng 7-2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 ngàn tỉ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340 ngàn tỉ đồng, tăng 14,8%; lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%. Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của vùng có tốc độ tăng trưởng khá như: Thủy sản tăng 8,45%, lúa gạo tăng 13,92%.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, các đại biểu tập trung bày tỏ những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại ĐBSCL hiện nay về quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu, vấn đề đất đai, vùng nguyên liệu… Ngành ngân hàng, các bộ, ngành và địa phương cùng nhận diện các khó khăn, thách thức cũng như tìm hiểu các nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, trong trả nợ vay ngân hàng, cùng nhau tìm các giải pháp tháo gỡ, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

m Trước đó, chiều 28-8, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến khảo sát dây chuyền sản xuất và tìm hiểu quá trình tiếp cận vốn để đầu tư của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (Hậu Giang).

 Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết