(TTXVN)- Ngày 8-12, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang đã ký ban hành Văn bản số 62-KL/TW thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như sau:
Ngày 18-9-2009, sau khi nghe Ban Dân vận Trung ương báo cáo Đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, ý kiến của các ban, ngành, đoàn thể liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và có ý kiến như sau:
Về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội trong thời gian tới:
1. Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Đảng, chính quyền đối với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội:
- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và toàn bộ hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng tổ chức MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các giai tầng xã hội.
- Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Các cấp ủy đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác mặt trận và các đoàn thể. Đưa nội dung lãnh đạo xây dựng MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp.
2. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân
- Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của MTTQ Việt Nam với các đoàn thể chính trị - xã hội, tránh chồng chéo, hình thức; phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động, phong trào. Xây dựng, cổ vũ, động viên kịp thời và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến với nhiều hình thức phong phú, đa dạng...
3. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phát huy quyền chủ động, sáng tạo của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong công tác vận động nhân dân phù hợp với đặc điểm địa phương, cơ sở
- MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội làm nòng cốt trong việc phát huy dân chủ, năng lực trí tuệ, ý thức trách nhiệm công dân trong các tầng lớp nhân dân...
4. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới chính sách, chế độ đối với cán bộ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong thời kỳ mới.
- Sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ hoạt động chuyên trách của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn. Coi trọng việc kết hợp, phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động nhân dân. Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, địa bàn dân cư...
5. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp; thể chế hóa cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế phối hợp, chương trình công tác giữa UBND với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
- Nhà nước đảm bảo kinh phí và điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phù hợp với thực tiễn công tác vận động nhân dân và phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
6. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy tính năng động, sáng tạo của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Các cấp ủy đảng và người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; xây dựng và ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị...