Phóng sự * MINH NGUYỆT
Ở các bệnh viện lớn, nhiều người thường gọi khoa Hồi sức tích cực Chống độc, bằng cụm từ tiếng Anh hàm ý thân thiện “I see you” (ICU-chào bạn). Bệnh nhân nằm tại ICU đều là những ca thập tử nhất sinh. Y, bác sĩ ở ICU không chỉ cứu chữa bệnh nhân theo tinh thần còn nước còn tát, mà còn là nghĩa tử nghĩa tận, lo cả chuyện hậu sự cho những bệnh nhân xấu số, không có thân nhân. Và tôi đã cảm nhận điều này tại ICU của Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ.
 |
Các điều dưỡng ở ICU BVĐK Trung ương Cần Thơ đang xoa bóp cho bệnh nhân. Ảnh M.N. |
Mười bốn năm trước (năm 1998), ba tôi bị đột quỵ, gia đình đưa vào BVĐKTƯ Cần Thơ cấp cứu. Qua cơn nguy kịch, ba tôi được khoa Hồi sức cấp cứu đưa vào nằm tại ICU. Lúc đó, bệnh viện còn ở cơ sở cũ tại đường Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), phòng bệnh chật hẹp, giường kê sát nhau. Nhà tôi cách bệnh viện chưa đầy 1km, nên vừa hồi tỉnh, ba tôi đã xin bác sĩ cho về nhà. Ba tôi nói: “Tui nhớ cháu nội quá”. Đứa bé đó là Cu Bi (4 tuổi), con trai của tôi, được ba tôi chăm sóc từ lúc lọt lòng. Mẹ tôi đã qua đời hơn 10 năm trước, nên Cu Bi là niềm an ủi tuổi già của ba tôi. Bác sĩ CKII phụ trách điều trị Nguyễn Văn Yên, lập tức kêu anh Lê Văn Thắng, Y tá trưởng đẩy chiếc giường ba tôi đang nằm ra góc phòng, cách xa các giường bệnh nặng khác. Bác sĩ Yên ân cần, nói: “Bác chịu khó nằm dưỡng bệnh thêm vài ngày nữa. Cháu sẽ dặn người gác cửa cho cháu bé đó vào chơi với bác (theo quy định, trẻ con không được vào đây)”. Ba ngày sau, ba tôi lên cơn nhồi máu cơ tim lần thứ 2 và trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện. Đến giờ, tôi vẫn chưa quên gương mặt nhắm nghiền mắt để cố chịu cơn đau ở lồng ngực của ba tôi, bỗng tươi cười hạnh phúc khi Cu Bi bước đến giường, gọi “ông nội!”. Tôi thầm cảm ơn, bác sĩ đã cho ba tôi thêm liều thuốc tinh thần,...
BVĐKTƯ Cần Thơ bây giờ là tòa nhà cao 7 tầng, quy mô lớn nhất ĐBSCL, khoa Hồi sức tích cực Chống độc nằm ngay mặt tiền bệnh viện, liền dãy với khoa Cấp cứu tổng hợp, số giường bệnh cũng nhiều gấp đôi so với ngày trước (30 giường). Trong đó, 22 giường được trang bị máy giúp thở. Ở các khoa phòng khác, phòng của bệnh nhân nằm tách biệt với phòng làm việc của bác sĩ, điều dưỡng. Còn ở bộ phận “I see you” thì bác sĩ luôn ngồi trực ở trung tâm phòng bệnh, nhằm theo dõi diễn tiến bệnh của bệnh nhân 24/24 giờ. Bác sĩ có thể nghe tiếng tic tic của các máy giúp thở, có thể kịp thời phát hiện diễn tiến bất thường của bệnh nhân. Mỗi tua trực ngoài 2 bác sĩ, còn có 5 điều dưỡng. Bệnh nhân nằm bất động, việc chăm sóc họ rất vất vả, vì phải giữ vệ sinh cho cơ thể bệnh nhân, phải thường xuyên xoa lưng, bóp tay - chân để bệnh nhân nằm lâu không bị viêm phổi, không bị loét da, phải đẩy giường bệnh đưa bệnh nhân đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc chạy thận nhân tạo. Ngày thường, mỗi ca trực, một điều dưỡng chăm sóc khoảng 4 bệnh nhân. Ngày lễ, Tết số ca tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, tự tử,... tăng đột biến, điều dưỡng ở ICU chăm sóc từ 5 đến 6 bệnh nhân. Chị Trần Thị Dạng, Y tá trưởng, phụ trách trực điều dưỡng hôm mùng Một Tết Nhâm Thìn 2012, bộc bạch: “Hôm ấy, có một gia đình 3 người cùng tử vong vì bị tai nạn giao thông. Ra ca trực về nhà, tôi cũng hết muốn ăn Tết, thật tội nghiệp cho gia đình của họ!”. Anh Lê Văn Thắng, có gần 30 năm gắn với nghề điều dưỡng ở ICU, tâm sự: “Tôi ngại nhất là chứng kiến cảnh người bị tai nạn giao thông nặng, tử vong mà thân nhân chưa kịp đến, phải đưa họ vào nhà xác lạnh lẽo, thật đau lòng!”. Theo anh Thắng, khi gặp trường hợp như vậy, việc mà điều dưỡng ở ICU có thể làm cho người xấu số là xuống siêu thị của bệnh viện mua cho họ bộ quần áo mới, khâu vá vết thương tắm cho họ thật sạch sẽ để họ ra đi lành lặn, thanh thản!
Trên bàn trưởng khoa ICU có quyển sổ góp ý dầy đặc chữ ký của thân nhân người bệnh, tất cả đều là những lời cảm ơn chân tình dành cho y, bác sĩ, điều dưỡng. Có trường hợp thân nhân của họ khỏi bệnh, nhưng cũng có trường hợp bệnh quá nặng, không thể qua khỏi, y tá hành chính hoặc điều dưỡng của ICU đã tích cực giúp gia đình bệnh nhân xin xe cứu thương để bệnh nhân kịp trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà thân yêu của mình. Cảm động nhất là lời cảm ơn mộc mạc của bà Nguyễn Thị Ngọc A., vợ của bệnh nhân Nguyễn Văn H. (62 tuổi, ở Hậu Giang), bị co thắt phế quản nằm tại ICU đến 90 ngày. Bà Nguyễn Thị Ngọc A. nói: “Tôi nhớ ơn các cô, chú không chỉ cứu mạng chồng tôi, mà còn giúp tôi yên tâm đi làm thuê để có tiền mua thuốc cho ổng”.
ICU là chương trình đào tạo điều dưỡng kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân một cách tích cực, hiệu quả do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đào tạo cho điều dưỡng tại nhiều bệnh viện lớn trong nước, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, trong đó có BVĐK Trung ương Cần Thơ. Bệnh nhân nằm ở ICU là những người bị tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não do tai nạn giao thông (đã được phẫu thuật cấp cứu), ngộ độc, nhiễm trùng,... cần điều trị nội khoa tích cực. Bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm sẽ được chuyển sang các chuyên khoa chức năng để điều trị phục hồi. Do vậy, bác sĩ phục vụ tại ICU đều giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị nội khoa, tim mạch, để tiên lượng được các biến chứng có thể xảy ra trên từng bệnh nhân. Hiện nay, ICU của BVĐK Trung ương Cần Thơ có 14 bác sĩ, ngoài bác sĩ trưởng khoa có trình độ CK II (tương đương tiến sĩ), còn lại đều có trình độ CK I, thạc sĩ hoặc đang học sau đại học tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hoặc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), là 2 cơ sở đầu ngành của cả nước về kinh nghiệm hồi sức tích cực chống độc. Bác sĩ - tiến sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Để đạt học vị sau đại học, bác sĩ phải trải nghiệm thật tốt từ quá trình phục vụ điều trị, vì điều kiện công nhận học vị, bác sĩ phải có một số bài viết về kinh nghiệm điều trị lâm sàng đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành. Trong điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, bệnh viện rất trân trọng sự nỗ lực của anh em”.
Những bác sĩ trong khoa luôn gọi bác sĩ CKII Nguyễn Văn Yên, trưởng khoa ICU một cách trìu mến là thầy. Bác sĩ Yên đã gắn bó với ICU của BVĐK Trung ương Cần Thơ từ năm 1978, là thầy của nhiều thế hệ bác sĩ được đào tạo tại Trường ĐH Cần Thơ, vì BVĐK Trung ương Cần Thơ còn là cơ sở thực hành của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Trong không khí chào mừng kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay, các bác sĩ ở ICU lại tất bật với các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Bác sĩ phó khoa Dương Thiện Phước, mở máy vi tính “copy” danh mục bài hát, nói vui: “Đợt này, không có thời gian tập dợt bài mới, mình lấy mấy bài hát tủ ra diễn lại thôi!”. Bác sĩ Nguyễn Văn Yên, khoe: “Khoa này còn có bác sĩ Mai Nguyễn Thanh Phong, là một “cây” bóng bàn đã từng ra Hà Nội dự hội thi và đoạt giải bóng bàn của ngành y”. Phòng làm việc của bác sĩ Nguyễn Văn Yên, bên cạnh kệ sách là những tờ lịch từ năm 2008 (lịch tháng), in tranh vẽ của các danh họa châu Âu từ thế kỷ 19. Thấy tôi thích thú với tờ lịch in bức tranh Mùa thu vàng của danh họa Van Gogh. Bác sĩ Nguyễn Văn Yên, nói vui: “Nhà báo đừng nghĩ bác sĩ là khô khan nhé!”.
Rời ICU của BVĐK Trung ương, tôi lại nhớ đến dụng cụ (tạm gọi là vậy- PV) “dây cố định nội khí quản”, là sáng kiến cải tiến của cử nhân điều dưỡng Trương Thanh Phong. Sợi dây này nhỏ như chiếc đũa, bằng vải dùng để cột cố định (căng ngang miệng của bệnh nhân) ống nội khí quản. Anh Trương Thanh Phong đã nghĩ ra cách ngăn, không để nước bọt của bệnh nhân ngấm vào sợi dây vải này, là luồn nó vào nằm cố định bên trong đoạn dây nhựa (tận dụng các sợi dây truyền dịch), rồi khoét một lỗ nhỏ ở giữa đoạn dây nhựa đó để đưa sợi dây vải ra, cột cố định ống nội khí quản. Bệnh nhân phải đặt nội khí quản, sẽ rất đau đớn nếu dây cố định bị dịch chuyển. Người hôn mê, khi đau đớn đâu thể rên than, vậy mà điều dưỡng ICU đã nghe được tiếng lòng của bệnh nhân giúp họ bớt đau...