07/03/2021 - 06:24

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:

Huy động toàn lực lượng y tế tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 

* Dành những mũi vaccine đầu tiên cho lực lượng chống dịch

Các đại biểu tại đầu cầu TP Cần Thơ.

Các đại biểu tại đầu cầu TP Cần Thơ.

(CT) - Sáng 6-3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị. Tại TP Cần Thơ có điểm cầu thành phố và quận, huyện.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trong lịch sử vaccine COVID-19 là vaccine được phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Nhưng cũng do thời gian chưa đủ dài nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu về thời gian bảo vệ ở một số vaccine, có khác nhau. Có đơn vị công bố thời gian bảo vệ lên tới 2 năm, 1 năm, có đơn vị khẳng định chỉ được 6 tháng… Do đó, song song nhập khẩu vaccine, Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19 trong nước để đảm bảo an ninh y tế vaccine.

Ngày 8-3-2021, sẽ tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên tại tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Do số lượng vaccine lần này có số lượng hạn chế nên các địa phương đã được phân bổ vaccine, cụ thể là 13 địa phương có bệnh nhân COVID-19, cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Có như vậy mới tạo được niềm tin khi triển khai tiêm chủng và đảm bảo được công bằng trong tiếp cận vaccine…”. Theo Bộ trưởng, trong tháng 3, lượng vaccine nhập về sẽ dồi dào hơn, khoảng 1,3 triệu liều; đến tháng 4 và tháng 5, nguồn cung sẽ tăng lên.

Tiêm chủng là biện pháp chủ động phòng bệnh hữu hiệu. Cần Thơ luôn quan tâm đảm bảo các điều kiện cho tiêm chủng an toàn. Trong ảnh: Tiêm chủng tại CDC Cần Thơ.

Tiêm chủng là biện pháp chủ động phòng bệnh hữu hiệu. Cần Thơ luôn quan tâm đảm bảo các điều kiện cho tiêm chủng an toàn. Trong ảnh: Tiêm chủng tại CDC Cần Thơ.

Để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, cán bộ y tế khám, sàng lọc trước khi tiêm. Đồng thời, quản lý thông tin tiêm chủng của người tiêm trên hồ sơ sức khỏe cá nhân. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Không thể khẳng định vaccine an toàn 100% nhưng lợi ích của vaccine ngừa COVID-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng. Người tiêm nếu có mắc bệnh, sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Đây là chiến dịch tiêm lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta với hơn 100 triệu mũi tiêm. Bộ Y tế huy động toàn lực lượng y tế tổ chức tiêm. Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu bệnh viện phối hợp CDC các tỉnh, thành thực hiện tốt chiến dịch lần này.

Tại Hội nghị, các chuyên gia lưu ý trong chiến dịch tiêm lần này, sàng lọc COVID-19 trước khi đối tượng đến tiêm chủng và trước buổi tiêm chủng. Trong buổi tiêm chủng, sử dụng bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Người tiêm ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng. Lưu ý không lắc lọ vaccine trước khi tiêm.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đang rất tích cực đàm phán mua vaccine; khi có vaccine, sẽ chuyển ngay cho địa phương. Đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, chủ động theo phương án 4 tại chỗ. Cán bộ y tế thực hiện nghiêm các quy định chuyên môn; đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người dân. Đây là ưu tiên hàng đầu. Chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu theo chỉ đạo chuyên môn, chuẩn bị cho các tình huống xấu để phản ứng nhanh nhất. Áp dụng triệt để công nghệ thông tin. Bộ Y tế phân công 3 đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo trực tiếp 3 điểm tiêm đầu tiên. Đây là vaccine lần đầu tiêm ở quy mô lớn nên Bộ rất thận trọng, phải có theo dõi, giám sát và đánh giá.

Vaccine được sử dụng tiêm phòng COVID-19 là vaccine AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất.

Vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2-2021. Đến 25-2-2021, vaccine này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam. Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Liều lượng, đường tiêm: tiêm bắp, liều 0,5ml. Lịch tiêm: gồm 2 mũi, cách nhau từ 4 -12 tuần.

Phản ứng sau tiêm chủng: khoảng ≥10% đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt  ≥ 380C), ớn lạnh. Từ 1% đến dưới 10% bị sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết