08/03/2010 - 20:46

Hướng nghiệp - nên giúp học sinh "nhìn xa trông rộng"

Ghi nhận từ các trường vùng ven thành phố cho thấy những năm gần đây, số lượng học sinh đậu vào trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngày càng tăng. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên kết quả đó là công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện nay, khi chọn ngành nghề, phần lớn học sinh chỉ mới chú trọng đến các yếu tố: thu nhập, cơ hội việc làm, điểm chuẩn tuyển sinh… mà chưa có được tầm nhìn sâu rộng hơn về công việc, nghề nghiệp tương lai.

Tư vấn chi tiết và cụ thể

Nguyễn Lê Nhã Uyên- học sinh lớp 12A3, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai- dự định thi vào ngành Tài chính- Ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ, sau khi tốt nghiệp THPT. Hướng đi này đã được xác định ngay từ khi Uyên bước vào lớp 10 nên em chọn học ban Khoa học Tự nhiên để có thể tập trung chuyên sâu vào các môn thi đại học. Lý do Uyên chọn ngành Tài chính- Ngân hàng là vì thu nhập cao, ổn định, công việc lại không vất vả. Để chuẩn bị, Uyên thường thu thập thông tin về điểm chuẩn, tỷ lệ chọi của ngành học mình chọn trong tuyển sinh năm trước. Uyên cho biết: “Em tìm hiểu và biết năm rồi điểm chuẩn của ngành Tài chính- Ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ, không quá cao. Tuy nhiên, em không thể chủ quan. Ở vùng ven, điều kiện học tập không bằng so với ở thành phố, vì vậy, em phải cố gắng nhiều hơn”.

 Học sinh rất cần thông tin về tuyển sinh. Trong ảnh: Học sinh tìm hiểu thông tin tại ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2009 tại Trường Đại học Cần Thơ.

Thực tế cho thấy các trường phổ thông ngày càng chú trọng hơn đến công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, trong đó, đặc biệt là giới thiệu về các ngành nghề được đào tạo tại trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Tại Trường THPT Phan Văn Trị, ngoài việc tổ chức những buổi tư vấn cho học sinh, trường cũng yêu cầu giáo viên hướng nghiệp tranh thủ lồng ghép giới thiệu các ngành, nghề của một số trường đại học, cao đẳng giúp học sinh hình dung được nghề nghiệp và định hướng cho tương lai của mình. Ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, nhận xét: “Những năm trước, học sinh của trường thiếu thông tin nên chọn ngành, nghề không phù hợp, thi không đậu rồi chán nản bỏ cuộc. Mấy năm gần đây, trường hướng dẫn cụ thể hơn cho học sinh, giúp các em chọn trường, chọn ngành vừa sức”. Nhờ vậy, năm 2009, mặc dù tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, chỉ khoảng 60%- khá thấp so với các trường khác- nhưng ngược lại, trường có đến 71 học sinh đậu vào các trường đại học công lập, tăng khoảng 20% so với năm trước.

Tương tự, một số trường cũng đã chuyển hướng sang tư vấn chi tiết, cụ thể cho học sinh, như: Trường THPT Hà Huy Giáp, Trường THPT Thới Lai... Theo Ban giám hiệu Trường THPT Hà Huy Giáp, trước mỗi đợt làm hồ sơ đăng ký dự thi, trường đều thành lập ban tư vấn tuyển sinh để hỗ trợ học sinh. Học sinh có nhu cầu tìm hiểu thêm về ngành nghề nào, trường cũng cố gắng tìm hiểu, tư vấn cụ thể, trực tiếp. Năm nay, Trường THPT Thới Lai cũng đã thành lập ban tư vấn tuyển sinh để tư vấn cho học sinh lớp 12. Trong ban tư vấn tuyển sinh, giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò quan trọng vì đây là người gần gũi, nắm rõ năng lực, hoàn cảnh của từng học sinh.

Cần được đầu tư nhiều hơn

Bên cạnh những hiệu quả thiết thực, phải thừa nhận rằng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh ở vùng ven, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Khi tư vấn ngành nghề cụ thể, hầu hết các trường phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin do các trường cao đẳng, đại học tự giới thiệu. Em N.B.T, học sinh lớp 12 của một trường THPT ở quận Ninh Kiều, băn khoăn nói: “Em đăng ký thi vào ngành Ngoại thương và phân vân chọn lựa nguyện vọng 1 là Trường Đại học Cần Thơ hay một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Em có hỏi giáo viên hướng nghiệp nhưng giáo viên cũng chỉ đưa ra những thông tin chung chung về điểm chuẩn chứ chưa phân tích sâu những ưu điểm trong đào tạo của từng nơi để em có thể lựa chọn phù hợp”. Phần lớn khi tư vấn cho học sinh, các trường chỉ tập trung tư vấn những ngành thuộc lĩnh vực: nông nghiệp, kinh tế, sư phạm... và thiếu thông tin về những ngành mới thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, quan hệ quốc tế...

Công tác tư vấn hướng nghiệp của các trường THPT thường được đặt trong tình trạng “nước đến chân”, gần đến ngày học sinh nộp hồ sơ mới tư vấn ngành, nghề cho các em. Vì vậy, mặc dù đã đầu tháng 3 nhưng khi được hỏi đăng ký dự thi ngành nào, một học sinh lớp 12 ở huyện Phong Điền trả lời: Vẫn chưa biết! Không định hướng được ngành nghề nên nhiều học sinh “nhắm mắt” chọn theo bạn bè. Trường hợp của Đào Nhã T., quê ở huyện Phong Điền, là một ví dụ. Nghe theo bạn bè, T. chọn thi vào ngành Toán ứng dụng của Trường Đại học Cần Thơ. Sau một năm học, T. chán nản và đòi bỏ cuộc vì: “Tôi thấy mình không thích hợp với ngành này. Tôi dự định sẽ thi lại vào ngành môi trường”.

Có thể nói để chọn lựa được ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, hoàn cảnh gia đình là quá trình suy nghĩ, cân nhắc lâu dài của học sinh chứ không phải chỉ một vài tháng hay qua một vài buổi tư vấn. Chính vì vậy, bên cạnh tập trung tư vấn ngành, nghề cụ thể, cần xây dựng chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh một cách bài bản, ngay từ khi các em bước chân vào trường THPT. Trong đó, chú trọng đến việc giúp học sinh khám phá năng lực bản thân, hiểu rõ sở thích của mình bởi đó là những yếu tố quan trọng để học sinh chọn đúng ngành nghề, phát huy được khả năng trong công việc tương lai.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết