25/04/2018 - 19:25

Hướng đến xây dựng kho bạc điện tử 

Hai năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Cần Thơ triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, mang lại nhiều tiện ích cho các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính… Nhằm hướng đến mục tiêu kho bạc điện tử vào năm 2020, KBNN Cần Thơ đang tích cực tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị trong thành phố triển khai thực hiện dịch vụ này.

Dịch vụ tiện ích

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc KBNN Cần Thơ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tháng 4-2016, KBNN Cần Thơ triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến về mở và sử dụng tài khoản; giao nhận hồ sơ, chứng từ thanh toán, đối chiếu số liệu định kỳ và đăng ký rút tiền mặt tại 8 cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, Cục Hải quan Cần Thơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Sở Y tế thành phố, Sở Nội vụ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 thành phố. KBNN đã Cần Thơ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng, cài đặt phần mềm, đăng ký chữ ký số của thủ trưởng và kế toán trưởng… cho các cơ quan, đơn vị.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, cán bộ công chức KBNN Cần Thơ xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị qua mạng. Ảnh: ANH DŨNG
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, cán bộ công chức KBNN Cần Thơ xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị qua mạng. Ảnh: ANH DŨNG

Trao đổi với chúng tôi, kế toán trưởng các cơ quan, đơn vị đều khẳng định, dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN rất tiện ích và thuận lợi. Anh Nguyễn Kiên Sơn, Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng 2 TP Cần Thơ, phân tích: “Trước đây, để làm thủ tục thanh toán vốn, chúng tôi phải làm 4 bộ hồ sơ, mang đến KBNN và chờ 2 ngày mới giải quyết xong. Từ tháng 6-2016 đến nay, nhờ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, khi làm thủ tục thanh toán vốn, chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ; sau khi ký xong, scan đưa lên mạng sẽ được hệ thống xử lý ngay. Trong quá trình thực hiện thủ tục, nếu có sai sót thì tự chỉnh sửa được trên máy, không cần phải đến KBNN lấy thủ tục về làm lại như trước. Sử dụng dịch vụ này, tiết kiệm được công sức, thời gian, chi phí, văn phòng phẩm... thậm chí có thể thực hiện cả ngoài giờ làm việc”.

Hướng đến mục tiêu xây dựng kho bạc điện tử 

Qua thực hiện thí điểm tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, thấy rõ những tiện ích do dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN mang lại, tháng 2-2018, Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện đại trà đối với tất cả các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, KBNN Cần Thơ đã triển khai dịch vụ này tại Văn phòng KBNN Cần Thơ, đồng thời đề nghị KBNN các quận, huyện tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, rất ít đơn vị sử dụng dịch vụ này.

Ông Quách Hữu Thại, Giám đốc KBNN Ninh Kiều, cho biết: KBNN đã tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hiểu rõ dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, đồng thời ban hành công văn gửi đến các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, chưa có cơ quan, đơn vị nào tự giác đăng ký thực hiện, do nhiều nguyên nhân: thủ trưởng và kế toán trưởng cơ quan, đơn vị chưa có chữ ký số; khoảng cách giữa các cơ quan, đơn vị với KBNN Ninh Kiều gần nên thấy không cần thiết phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tâm lý sợ lộ, lọt thông tin khi làm thủ tục qua mạng;...

Trước tình hình đó, đầu tháng 3-2018, KBNN đã tham mưu Thường trực UBND quận chỉ định 4 đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, gồm: Văn phòng UBND quận, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận; Phòng Kinh tế quận và Ban Quản lý dự án quận. Hiện nay, 4 đơn vị đã được cấp chứng thư số, đang chờ Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tập huấn hướng dẫn sử dụng chữ ký số và sẽ ứng dụng dịch vụ trong tháng 5-2018. Ông Quách Hữu Thại nói: “KBNN Ninh Kiều sẽ tham mưu Thường trực Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN. Phấn đấu đầu quý III/2018, tất cả các phòng, ban quận sẽ triển khai thực hiện và đến năm 2020, tất cả các cơ quan, đơn vị trong quận sẽ thực hiện dịch vụ này”.  

Theo ông Lưu Tiến Thắng, Trưởng Phòng Kiểm soát chi KBNN Cần Thơ, đến thời điểm này, ngoài quận Ninh Kiều, trên địa bàn thành phố vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan, đơn vị e ngại lộ, lọt thông tin; sợ rủi ro khi mạng bị tấn công, gây thất thoát dữ liệu... Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc KBNN Cần Thơ, cho biết: “KBNN Cần Thơ sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể thành phố và các quận, huyện sớm triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền giúp các cơ quan, đơn vị hiểu rõ những tiện ích trong thực hiện dịch vụ này để tiến tới xây dựng kho bạc điện tử vào năm 2020. Trước mắt, trong năm 2018 sẽ triển khai thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị cấp thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn 5 quận của thành phố. Đến năm 2020, tất cả các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện dịch vụ này. Đây cũng là tiền đề để KBNN thực hiện tốt tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn. Cụ thể, KBNN Cần Thơ sẽ sắp xếp kho bạc liên huyện: Ô Môn- Thới Lai- Cờ Đỏ; Vĩnh Thạnh- Thốt Nốt; Ninh Kiều- Bình Thủy và Cái Răng- Phong Điền”.

ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết