30/11/2016 - 14:15

Nông dân Dự án VnSAT ở Thầy Ký

Hướng đến vụ đông xuân thắng lợi

Hiện nay, nhiều nông dân ở ấp Thầy Ký (thị trấn Thạnh An, Vĩnh Thạnh) tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đang tích cực chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân 2016-2017. Dự kiến, nông dân sẽ xuống giống đồng loạt vào đầu tháng 12-2016.

* Yên tâm sản xuất

 Nông dân VnSat ở Thầy Ký đang làm đất chuẩn bị xuống giống đông xuân.

Ở ấp Thầy Ký, nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích khoảng 580ha. Trong đó, gồm một cánh đồng mẫu lớn diện tích khoảng 400ha, 2 cánh đồng lớn còn lại có diện tích khoảng 120ha và 60ha. Ông Nguyễn Đình Chiến, trưởng ấp Thầy Ký, cho biết: Nông dân trong ấp dự kiến xuống giống đông xuân từ đầu tháng 12 đến ngày 10-12 tới. Đến thời điểm này, nông dân ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp được 380ha; trong đó có 300ha làm lúa Nhật giống DS1 (ký với Công ty Cổ phẩn Nông sản Vinacam) giá thu mua 5.450 đồng/kg và 80ha giống lúa thơm RVT (DNTN Trung Thạnh) giá thu mua 5.400 đồng/kg. Doanh nghiệp còn cung cấp giống, phân, thuốc không tính lãi suất, nông dân đã có thể yên sản xuất, không còn lo đầu ra lẫn chi phí đầu tư đầu vào. Diện tích còn lại 200ha làm lúa VD 20 và Jasmine, nông dân chưa ký được hợp đồng nhưng cũng đã chủ động mua giống cấp xác nhận để gieo sạ…

Trong vụ thu đông 2016, nhóm nông dân ấp Thầy Ký đã được Dự án VnSAT tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về "3 giảm, 3 tăng", qua đó giúp nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác này ngày càng hiệu quả hơn. Kết thúc vụ thu đông, nông dân còn tham gia hội thảo đầu bờ để rút kinh nghiệm trong quá trình học và áp dụng "3 giảm, 3 tăng" sau khi nâng cao kiến thức. Ngoài ra, thông qua hội thảo đầu bờ, ngành nông nghiệp còn hướng dẫn, khuyến cáo nông dân xuống giống đông xuân 2016-2017 đảm bảo thắng lợi. Theo ông Bùi Công Lý, tham gia lớp tập huấn 6 ngày rất hay, giúp ông hiểu thêm về "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm"; có thể áp dụng để giảm thêm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm nước, bơm tưới hợp lý. Dự kiến vụ đông xuân 2016-2017, ông chỉ sạ còn khoảng 120 kg/ha (trước đây 150kg), giảm phân từ 60 kg xuống còn 50 kg/công tầm lớn, thuốc bảo vệ thực vật không phun ngừa mà chỉ phun khi có sâu bệnh hại lúa… Ngoài ra, mặc dù không ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, nhưng ông Bùi Công Lý cũng đã chủ động mua giống xác nhận ở trại giống nông nghiệp Vĩnh Thạnh về chuẩn bị gieo sạ. Ông cũng cho biết, mua giống xác nhận 10.000 đồng/kg, cao hơn giống trôi nổi bên ngoài 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giống xác nhận cho chất lượng cao hơn do đạt độ sạch, thuần, nảy mầm và gieo sạ sẽ đạt năng suất và chất lượng cao…

Ông Bùi Văn Lạc, một nông dân khác tham gia lớp tập huấn, cũng cho biết: Qua tập huấn, giúp nông dân nâng cao nhận thức và không còn sạ dày như tập quán cũ. Các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cho nông dân nắm chắc kỹ thuật và không còn băn khoăn khi áp dụng "3 giảm, 3 tăng". Vụ đông xuân 2016-2017, ông xuống giống 1,3ha lúa giống DS1, ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Cổ phẩn Nông sản Vinacam, giá thu mua lúa tươi 5.450 đồng/kg. Giá bao tiêu này cao hơn giá lúa trên thị trường hiện nay (lúa Jasmine hiện chỉ khoảng 4.700-4.800 đồng/kg) và sẽ đảm bảo nông dân có lãi cao. Vừa qua, ông cũng đã nhận giống, phân… do công ty cung cấp không tính lãi, cuối vụ trừ vào tiền thu mua lúa. Ngoài ra, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Do đó, ông rất an tâm sản xuất.

Nông dân Nguyễn Văn Lãm, canh tác 4,5ha, những năm qua, không chỉ áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" mà còn nâng dần lên "1 phải, 5 giảm", sản xuất lúa theo VietGAP. Ông cho biết nắm vững kỹ thuật canh tác mới nên trong vụ đông xuân này chỉ gieo sạ với lượng giống 80kg/ha và áp dụng sạ kéo hàng, lượng giống gieo sạ thấp nhất theo khuyến cáo của quy trình "3 giảm, 3 tăng". Sạ thưa tiết kiệm chi phí, lúa lại ít sâu bệnh, đổ ngã và vẫn đảm bảo năng suất. Đông xuân là vụ chính trong năm, ông cũng đã chuẩn bị kỹ khâu làm đất, đã xới xong, chỉ còn bơm nước ra và trang mặt bằng ruộng, sẵn sàng xuống giống trong vài ngày tới.

* Tiếp tục tập huấn cho nông dân

Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có 4.190 hộ nông dân ở các xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và thị trấn Thạnh An tham gia Dự án VnSAT, với diện tích canh tác 10.246ha. Trong vụ thu đông 2016, Dự án VnSAT đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho nông dân tham gia dự án về kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Trong đó, gồm 15 lớp "3 giảm, 3 tăng" và 10 lớp "1 phải, 5 giảm"; khoảng 1.250 nông dân tham gia. Ngoài ra, có 10 lớp "3 giảm, 3 tăng" đã xây dựng được mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" cho nông dân đối chứng và cuối vụ có tổ chức hội thảo đầu bờ rút kinh nghiệm.

Anh Đặng Nhật Trường, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện, cho biết: Tổ chức 10 hội thảo đầu bờ của 10 lớp tập huấn "3 giảm, 3 tăng" nhằm tổng kết lớp đào tạo FFS cho nông dân đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật này, báo cáo kết quả nông dân ứng dụng "3 giảm, 3 tăng" và những mặt còn hạn chế để tiếp tục tập huấn cho nông dân trong thời gian tới. Dự kiến trong vụ đông xuân 2016-2017, Dự án VnSAT sẽ tiếp tục tổ chức 22 lớp tập huấn về "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" cho nông dân tham gia dự án trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh; riêng ở ấp Thầy Ký có 3 lớp. Ngoài ra, hội thảo đầu bờ cũng là dịp để ngành bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, chỉnh trang bờ bao, diệt chuột… chuẩn bị xuống giống đông xuân hiệu quả…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết