26/03/2017 - 21:17

Hướng đến sản xuất tôm sạch

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nuôi tôm đã vươn lên ngành mũi nhọn và đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Trong đó, xuất khẩu tôm nước lợ giữ vai trò quan trọng trong ngành Thủy sản, với khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD vào năm 2025, hiện nay, ngành nuôi tôm đang tích cực triển khai nhiều biện pháp theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, sản xuất tôm sạch và liên kết chuỗi sản xuất được quan tâm hàng đầu.

Cần tôm giống sạch

Theo báo cáo của các địa phương nuôi tôm trọng điểm khu vực ĐBSCL, đến nay, diện tích thả tôm giống khoảng 536.440ha; trong đó, tôm sú gần 521.480ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 14.960ha. Sản lượng thu hoạch ước đạt 39.419 tấn; trong đó, tôm thẻ chân trắng ước đạt 10.000 tấn, tôm sú là 19.365 tấn. Ước tính, số lượng thả nuôi khoảng 24,2 tỉ con tôm giống và khả năng cung ứng giống tại chỗ của các tỉnh ĐBSCL là 10,8 tỉ, đáp ứng khoảng 44,6 % nhu cầu. Do đó, một lượng giống lớn được nhập từ các tỉnh Nam Trung bộ… Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, năm 2017, ngành nuôi tôm có nhiều thuận lợi vì không xảy ra tình hình hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả nuôi tôm, ngay từ bây giờ, các địa phương vùng ĐBSCL cần có giải pháp, triển khai kế hoạch hành động cụ thể. Đặc biệt trong đó, "đối với người nuôi tôm, con giống là có vai trò rất quan trọng. Năm 2017, Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải kiểm tra, giám sát và quản lý tốt con tôm giống nhập khẩu từ giống bố mẹ đến việc cho đẻ, cũng như nhân giống" – ông Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng.

Ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty TNHH tôm giống Châu Phi, cho rằng: Để ngành nuôi tôm phát triển bền vững, con giống sạch, kháng bệnh rất quan trọng. Muốn tạo ra những con giống đảm bảo chất lượng, phải có trung tâm gia hóa. Nhưng hiện nay, nước ta chưa có trung tâm này để tạo ra giống tôm gốc. Nguồn giống tôm sú của nước ta chỉ có một trung tâm ở tỉnh Ninh Thuận nhưng chỉ nuôi tôm bố mẹ. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cần thành lập được trung tâm gia hóa để tạo ra con tôm gốc. Từ đó mới có thể tạo ra nguồn gia hóa bố mẹ để cho các tỉnh, thành lập trung tâm nuôi tôm bố mẹ, hình thành giống tôm sú đạt chất lượng, đảm bảo cho người nuôi theo hướng sạch bệnh. Song song, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ con giống để đảm bảo chất lượng giống cho người nuôi.

Theo ông Hồ Công Chánh, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Cà Mau, để ngành nuôi tôm phát triển bền vững, hiệu quả, công ty đã triển khai Mô hình tôm - rừng hay còn gọi là tôm sinh thái. Đây được xem là mô hình nuôi tôm sạch đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Doanh nghiệp chuỗi tôm- rừng có các giá trị như: tôm sinh thái, hữu cơ và chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP… Các hộ nuôi tôm – rừng đều theo quy chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái đa chứng nhận, bán với giá cao hơn từ 20–30 % so với tôm không được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, quy trình nuôi này cũng giúp tăng năng suất từ 150-200kg/ha/năm lên 1,5–2 tấn/ha/năm. Hiện nay, công ty cũng ký liên kết khoảng 1.000 hộ dân cung cấp giống lấy bost lớn, liên kết cung cấp thức ăn hữu cơ bổ sung nuôi tôm rừng đước.

Tạo chuỗi liên kết trong sản xuất

Theo PGS.TS Trương Quốc Phú, Trường Đại học Cần Thơ, những rủi ro lớn nhất của người nuôi tôm là dịch bệnh và thị trường. Dịch bệnh là yếu tố môi trường nước không được quản lý tốt, nhất mô hình nuôi bán thâm canh, thâm canh không kiểm soát được nước thải. Để quy trình nuôi tôm thành công, cần hướng nuôi theo mô hình hữu cơ, sinh thái và quy trình nuôi không xả thải. Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công nuôi tôm tuần hoàn khép kín, không xảy ra dịch bệnh và không xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, cần phải có những trung tâm, công trình nghiên cứu về giống tôm, nhất về thành lập trung tâm gia hóa để không phụ thuộc vào nguồn tôm bố, mẹ nhập từ nước ngoài… Đặc biệt, cần phải có sự liên kết chuỗi giá trị để giải quyết vấn đề nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ. Vì nuôi nhỏ lẻ không bền vững lâu dài. Khi tạo được sự liên kết trong nuôi tôm, địa phương phải có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ về môi trường để đảm bảo người nuôi đạt cả năng suất, chất lượng.

Theo ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông cơ 14/10 (HTX), khi thành lập HTX, các hộ nuôi đều tập trung nuôi theo kỹ thuật đạt chuẩn tôm sạch bệnh và liên kết với các công ty để cung cấp con giống và sản phẩm đầu ra. Hiện nay, HTX nuôi tôm sạch theo chuẩn VietGAP nên giá thành cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với tôm thường. Đặc biệt, 4 năm nay, khi người nuôi được hướng dẫn mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, đạt hiệu quả rất cao và bền vững. Trong nuôi tôm, HTX đảm bảo là không sử dụng thuốc kháng sinh và đều có công ty mua với giá cao. Nông dân không lo gian lận trong thu mua, ổn định đầu ra. Ngoài ra, HTX ký được hợp đồng với nhiều công ty để cung cấp giống, thức ăn chất lượng, nhất là trong hỗ trợ kỹ thuật nuôi theo quy trình tôm sạch, quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay, người nuôi tôm ở ĐBSCL đang đối diện với những biến đổi bất thường của thời tiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải tạo ra sản phẩm tôm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tức là, phải chấm dứt nạn tiêm chích tạp chất vào tôm và dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Chuyển từ nuôi tôm có kháng sinh sang nuôi theo chế phẩm sinh học và các giải pháp khác có liên quan, hướng ngành tôm ngày càng thân thiện môi trường sinh thái. Tập trung tăng sản lượng, không tăng diện tích bằng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất; trong đó cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng kiểm soát tốt chất lượng con giống. Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhân rộng mô hình, những kinh nghiệm hay để phổ biến đến với người nuôi. Đến năm 2018, ngành tôm Việt Nam phải chấm dứt tình trạng bơm chích tạp chất và dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép. Muốn vậy, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, 4 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của vùng, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang phải tích cực triển khai và thực hiện nghiêm minh trong việc ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, vượt ngưỡng cho phép trong quá trình nuôi và xuất bán tôm nguyên liệu để hướng tới sản xuất hiệu quả, bền vững, đáp ứng được thị trường và đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra.

Bài, ảnh: LÝ THEN

Chia sẻ bài viết