17/02/2017 - 20:09

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nông dân Cần Thơ từng bước thay đổi phương thức sản xuất để hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Nhận thức được lợi ích dài lâu, nhiều nông dân Cần Thơ đã tìm tòi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Tám, ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền được nhiều người dân trong ấp biết tiếng bởi tính cần cù, ham học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ chịu khó nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông đã gặt hái nhiều thành công từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Với 5 công vườn, ông Tám có thu nhập trên 400 triệu đồng/ năm nhờ bán trái và cây giống. Không những làm giàu cho bản thân, ông Tám còn giúp đỡ nhiều hội viên nông dân ấp vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Với diện tích 5 công thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Văn Tám có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Trước khi trồng thanh long ruột đỏ, 5 công vườn của ông Tám trồng vú sữa. Vườn vú sữa cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng/năm. Về sau, vú sữa rớt giá, ông Tám tìm hiểu nhu cầu thị trường và quyết định chuyển 2 công vườn trồng vú sữa sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Tám chia sẻ: "Thời điểm đó, vườn vú sữa cho trái được năm thứ 3, nghe tôi định phá bỏ để trồng thanh long ruột đỏ, những người thân đều ngăn cản vì sợ thị trường tiêu thụ không ổn định". Qua 1 năm chăm sóc, vườn thanh long bắt đầu cho trái chiếng. Vụ trái đầu tiên ông Tám bán được 100kg, giá dao động từ 15 - 20.000 đồng/kg và cứ cách 1 tháng là thu hoạch 1 lần.

Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Tám chuyển hết 3 công vườn còn lại để trồng thanh long ruột đỏ. Ông Tám chia sẻ: "Thanh long ruột đỏ là loại cây thuộc họ xương rồng nên ưa nắng, thích sáng, rễ cạn nên đất trồng phải xốp, thông thoáng, không bị ngập. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán". Theo kinh nghiệm của ông Tám, thanh long ruột đỏ phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhất là về giống, phân, nước và cách chăm sóc.

Thanh long ruột đỏ vỏ dày và cứng, màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt nên được nhiều người ưa chuộng và giá rất cao, đặc biệt là xuất khẩu sang nước ngoài. Ông Tám cho biết: "Nếu thanh long thường ở thị trường có giá 5.000-7.000 đồng/kg thì thanh long ruột đỏ của tôi phải có giá từ 30 đến 60.000 đồng/kg. Nhiều năm nay, tôi hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các điểm thu mua trái cây tại Cần Thơ và Vĩnh Long nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm". Năm 2016, ông Tám bán trên 10 tấn thanh long, giá trung bình 40.000 đồng/kg. Do sản phẩm có đầu ra ổn định, ông Tám đang chuẩn bị lên vườn 13 công ruộng để mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2016, Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ Giai Xuân được thành lập do ông Tám làm chủ nhiệm. Hiện tại Tổ hợp tác có 12 thành viên với diện tích 4 ha.

Sản xuất thực phẩm sạch

Cơ sở sản xuất thực phẩm Cần Thơ với diện tích 3.000m2 nằm ở Quốc lộ 91B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy do anh Nguyễn Văn Phong làm chủ. Hiện tại, cơ sở sản xuất thực phẩm Cần Thơ là một trong những địa chỉ tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu là trồng rau thủy canh, trồng dưa lưới trong nhà kính và nuôi heo rừng... Đây là những sản phẩm sạch, được thị trường ưa chuộng và có hiệu quả kinh tế cao.

 

Mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Phong bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn dưa lưới của cơ sở có diện tích 350m2, trồng được khoảng 1.000 dây dưa. Một dây dưa cho số lượng 2 - 3 trái nhưng để đảm bảo trọng lượng và chất lượng dưa, chủ vườn chỉ để 1 trái/dây. Thời gian từ trồng đến thu hoạch là khoảng 60 đến 70 ngày, 1 trái có trọng lượng từ 1,2 kg - 2,2kg/trái. Anh Phong cho biết; "Giá thể trồng dưa lưới trong nhà kính là đệm lót sinh học trong quá trình nuôi heo rừng. Còn hạt giống, hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel được nhập khẩu từ các nước tiên tiến như Thái Lan, Nhật Bản". Năm 2016, tổng sản lượng 2 vụ đầu tiên thu được hơn 1 tấn dưa, toàn bộ được một số đại lý rau quả sạch trong thành phố thu mua. Anh Phong cũng đang trồng thí điểm các giống nhập từ nước ngoài, như: cà chua, dưa leo nhằm chọn lọc những giống thích hợp với khí hậu Việt Nam để mở rộng sản xuất.

Anh Phong còn tập trung phát triển mô hình trồng rau thủy canh với công nghệ cao. Hiện tại, cơ sở trồng các giống rau cải ngoại như: xà lách, cải bẹ trắng, cải ngọt... với màu sắc đẹp, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện tại, các sản phẩm của cơ sở được bán tại các điểm rau sạch trong thành phố với giá 60.000 đồng/kg. Hằng tháng, cơ sở xuất bán hàng trăm kg cải các loại, nhưng sản xuất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không dừng lại với mô hình trồng các loại rau quả sạch, cơ sở còn đầu tư trại nuôi heo rừng lai với số lượng 100 con nái, bán ra thị trường khoảng 1.600 heo con giống/năm. Theo anh Phong, chuồng nuôi heo rừng trải bằng đệm lót sinh học, thức ăn chủ yếu là xác đậu nành, xác bia, rau lục bình, chuối cây... Ngoài việc bán heo giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi, cơ sở còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 80.000 đồng/kg heo thịt. Anh Phong cho biết: "Trung bình 1 con giống có trọng lượng từ 8 đến 11kg có giá từ 1 đến 1,1 triệu đồng. Sau khi đưa cho người nuôi 5 tháng, heo đạt trọng lượng 30kg là xuất chuồng". Theo anh Phong, trung bình nuôi 1 con heo đạt 30kg, người nuôi phải tốn chi phí từ 700 đến 900.000 đồng/ con. Sau khi trừ hết chi phí, người nuôi lời ít nhất 500.000 đồng/ con. Để đa dạng các loại thực phẩm sạch, cơ sở anh Phong đang nuôi 200 con gà giống, cung cấp con giống và trứng gà sạch ra thị trường. Anh Phong cho biết: "Mặc dù cơ sở mới hoạt động hơn 1 năm nhưng đã khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng ủng hộ. Để đa dạng các thực phẩm, cơ sở tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra nhiều thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong thành phố và hướng đến xuất khẩu".

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: "Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền trong nông dân sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dựng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh và hướng nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả". Theo ông Lê Bá Phước, trước nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, việc phát triển nền nông nghiệp sạch, cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho người tiêu dùng là việc làm hết sức cần thiết. Sản xuất nông nghiệp sạch không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa nông dân tới gần hơn với sản xuất hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết