17/06/2012 - 20:25

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2012:

Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững

Các chuỗi sự kiện tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) năm 2012 sẽ diễn ra trong tháng 11 và 12-2012 do tỉnh Tiền Giang đăng cai- MDEC - Tiền Giang 2012 dưới sự chủ trì của Ban chỉ Đạo Tây Nam Bộ. Chủ đề của MDEC Tiền Giang 2012 “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, nhằm xúc tiến phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.

Tạo cơ hội cho nông nghiệp phát triển bền vững

Theo Ban Chỉ đạo MDEC Tiền Giang 2012, nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp của vùng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, năng lực cạnh tranh hạn chế và đang bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, MDEC Tiền Giang 2012 tìm những giải pháp, đề xuất sáng kiến để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ngành nông nghiệp của vùng, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Để đạt được mục đích trên, MDEC Tiền Giang 2012 sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng các mô hình liên kết giữa các hộ dân theo liên kết ngang, tạo nên một tổ chức có quy mô lớn cùng sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Xây dựng liên kết dọc, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL. Tăng cường hơn nữa các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư và các hiệp hội nước ngoài trong hoạt động kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư đối với nông nghiệp vùng ĐBSCL...

Lúa gạo và nhiều loại nông sản khác tại ĐBSCL rất cần có sự ổn định về đầu ra để nông dân yên tâm phát triển sản xuất.  

Theo đồng chí Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó Trưởng ban Thường trực MDEC - Tiền Giang 2012, chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững” sẽ có nhiều hoạt động như: Diễn đàn nông dân, doanh nghiệp ĐBSCL, chuỗi sự kiện Hội chợ, xúc tiến đầu tư, tìm cơ chế đặc thù phát triển bền vững các mặt hàng nông- thủy sản chủ lực ĐBSCL và Hội nghị Ban chỉ đạo Diễn đàn. Qua đó, thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các quốc gia trên thế giới. Mặt khác, tìm hiểu cơ chế, chính sách nông nghiệp của các nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh trên thế giới để nghiên cứu và sau khi tổ chức xong MDEC - Tiền Giang 2012 sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp để từng bước ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp của ĐBSCL.

Diễn đàn nông dân ĐBSCL dự kiến khai mạc ngày 30-11-2012 tại TP Mỹ Tho. Chuỗi sự kiện Hội chợ, xúc tiến đầu tư, tìm cơ chế đặc thù phát triển bền vững các mặt hàng nông- thủy sản chủ lực ĐBSCLvà Hội nghị Ban chỉ đạo Diễn đàn dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 8-12-2012. Hội chợ nông nghiệp quốc tế lần thứ 12- Agroviet 2012, kết hợp với Hội chợ triển lãm trái cây, nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nhất là những trái cây đặc sản trong vùng. Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ĐBSCL, nhằm sơ kết các hoạt động xúc tiến, giúp các địa phương tiếp cận, gặp gỡ doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư. Hội thảo về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực ở ĐBSCL là lúa, trái cây, thủy sản để tập hợp, lấy ý kiến của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý để đề xuất với Chính phủ xem xét, ban hành chính sách đặc thù đối với các sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân ĐBSCL. Kết thúc chuỗi sự kiện của MDEC - Tiền Giang 2012 là Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC - Tiền Giang 2012 để các thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn thảo luận, đóng góp ý kiến, ra tuyên bố chung và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các quyết sách cho vùng.

Đầu tư hợp lý cho nông nghiệp

Vừa qua, tại cuộc họp thông qua Chương trình tổng thể, kế hoạch tổ chức MDEC - Tiền Giang 2012, nhiều đại biểu cho rằng, cần đề xuất với Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực như: lúa, trái cây, thủy sản. Bởi sản xuất nông nghiệp trong vùng đang bộc lộ rất nhiều yếu kém cần khắc phục. Liên kết trong sản xuất và liên kết vùng còn hạn chế và thiếu sự phân công trong sản xuất giữa các địa phương với nhau nhằm phát huy đối đa các lợi thế chung và lợi thế riêng của từng địa phương. Tiêu thụ và xuất khẩu nhiều loại nông sản trong vùng chủ yếu ở dạng thô, đầu tư cho công tác bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản trong vùng còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Tôn Hoàng cho rằng: “Để phát triển nông nghiệp ĐBSCL cần phải thu hút được các nguồn lực đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, thời gian qua các nguồn vốn tín dụng và vốn đầu tư cho việc phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Do vậy, qua MDEC - Tiền Giang 2012 cần đề xuất Chính phủ tăng cường nguồn vốn tín dụng và vốn đầu tư phát triển cho vùng”... Nhà nước cần quan tâm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, đồng thời có chính sách ưu đãi về vốn vay để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ và đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ nhằm gia tăng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

Chia sẻ những kinh nghiệm từ việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Minh Trí nói: “MDEC - Tiền Giang 2012 cần phải tìm ra tiếng nói chung giữa các địa phương trong vùng và có đề xuất kịp thời với Chính phủ về việc cần phải đầu tư một số hạ tầng “lõi” của ĐBSCL để tăng cường việc liên kết và phát triển bền vững cho vùng. Đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm ổn định và phát triển các nông sản chủ lực của vùng, nhất là việc đảm bảo sự ổn định về đầu ra”. Theo ông Lê Minh Trí, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã có chính sách hỗ trợ từ 60-100% lãi suất vay cho một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được thành phố ưu tiên phát triển nhằm khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp đầu tư. Năm 2011, thành phố chỉ hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền khoảng 40 tỉ đồng nhưng đã thu hút được một nguồn đầu tư vào nông nghiệp hơn 1.000 tỉ đồng. Nhiều địa phương ở ĐBSCL, có thể do điều kiện tài chính còn hạn chế và chưa làm được như TP Hồ Chí Minh, MDEC - Tiền Giang 2012 là cơ hội để các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất Chính phủ hỗ trợ về vốn, đưa nền nông nghiệp vùng phát triển bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết