13/02/2017 - 21:46

Hợp tác thực hiện nhiều dự án ứng phó biến đổi khí hậu

Theo đánh giá chung của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn khi BĐKH tác động và đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị trẻ trên đà phát triển. Giải pháp ứng phó BĐKH được TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện, trong đó có nhiều dự án, công trình được triển khai nhằm mang lại hiệu quả khả quan…

Những thay đổi từ BĐKH

Hiện nay, các hiểm họa chính của BĐKH tại Cần Thơ gồm: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy, kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Theo Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ, xâm nhập mặn là một trong những hiện tượng BĐKH xuất hiện thường xuyên những năm gần đây, nhất là vào những tháng mùa khô. Điển hình, tháng 5-2010, độ mặn 1%o xâm nhập và cách trung tâm TP Cần Thơ 12km. Tháng 3-2016, độ mặn 2,05‰ xuất hiện trên sông Hậu (đo tại khu vực Cảng Cái Cui). Độ mặn này vượt mức cho phép dành cho nước ăn uống và ảnh hưởng sinh trưởng một số hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân độ mặn tăng lên do mực nước biển tăng làm hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng tăng nhanh, lấn sâu vào các sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ, ảnh hưởng sức khỏe, sinh kế cộng đồng dân cư. Ông Trần Văn Hải, ở phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cho biết: "Thời gian trước, ao nuôi cá của gia đình tôi cho năng suất khá cao nhờ nước sông Hậu dồi dào, đảm bảo cá phát triển tốt. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện với độ mặn ngày càng tăng nên phải cảnh giác việc nuôi cá. Năm ngoái, xâm nhập mặn xuất hiện trên sông Hậu, tại khu vực Cảng Cái Cui, tôi ngăn không để nước vào ao nuôi cá, nhờ đó hạn chế bị thiệt hại".

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết, thủy văn năm 2017 trên cả nước có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn và thiếu nước; mùa khô nhiệt độ tăng cao nhưng không khắc nghiệt như năm 2016; xâm nhập mặn sẽ diễn ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Nam Bộ…

Phối hợp ứng phó

 Chương trình tập huấn tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng thiên tai của Dự án “Phát triển năng lực ứng phó BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai”.

Theo Ban chỉ đạo công tác ứng phó BĐKH TP Cần Thơ, thành phố đang hợp tác với các tổ chức quốc tế: Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Xã hội và Môi trường (ISET), Thách thức với Thay đổi (CtC), Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU)... triển khai thực hiện các mô hình dự báo, đánh giá tác động BĐKH đến TP Cần Thơ và đề xuất các giải pháp thích ứng. Qua đó, nhiều dự án được triển khai thực hiện, góp phần hạn chế tác hại và giúp người dân thích ứng dần với BĐKH.

"Phát triển năng lực ứng phó BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai" là dự án được TP Cần Thơ triển khai thực hiện từ tháng 7-2014 đến cuối năm 2016, với tổng kinh phí trên 1,66 tỉ đồng, do Cơ quan phát triển và cứu trợ Cơ Đốc phục lâm Úc tài trợ (trong đó vốn đối ứng của địa phương trên 138 triệu đồng). Dự án được phối hợp thực hiện giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ và Tổ chức ADRA tại Việt Nam, gồm 4 hoạt động chính: xây dựng năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương và người đứng đầu cộng đồng về thích ứng với BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao kiến thức và nhận thức về ứng phó BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho người dân tại địa phương; thiết kế và lập kế hoạch về ứng phó BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; thiết lập mạng lưới về ứng phó BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai, chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm cho cộng đồng. Trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động dạy bơi cho trẻ; tập huấn sơ cấp cứu, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ địa phương; diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ cộng đồng xây dựng và triển khai các sáng kiến giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH...

Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết: "Sau khi ký kết thỏa thuận cùng Tổ chức ADRA tại Việt Nam thực hiện dự án, chúng tôi chọn phường Long Tuyền, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy để triển khai, với 2.500 hộ, khoảng 6.050 nhân khẩu. Người dân rất nhiệt tình tham gia các hoạt động cũng như đóng góp vật chất, hiến đất xây dựng các công trình... Hiện chúng tôi tranh thủ nguồn tài trợ từ đơn vị trên để nhân rộng dự án đến các địa phương khác trong thành phố".

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 30 năm qua, khu vực ĐBSCL có sự thay đổi về nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,50C, mực nước biển dâng cao ảnh hưởng trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Đồng thời, do ảnh hưởng từ BĐKH, nhiệt độ trung bình khu vực ĐBSCL có thể tăng thêm 30C và mực nước biển dâng lên 1m năm 2100. Khi đó, có khoảng 90% diện tích thuộc các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL bị ngập hoàn toàn, sinh kế người dân sẽ có nhiều thay đổi.

Dự án "Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra" được TP Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2012, với tổng kinh phí 521.414 USD, do Quỹ Rockefeller tài trợ thông qua Tổ chức ISET. Dự án này đã lắp đặt 8 trạm quan trắc độ mặn tự động trong thành phố và các địa phương lân cận nhằm phát hiện và truyền tải dữ liệu quan trắc về độ mặn của nguồn nước đến người sử dụng, cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó.

Dự án "Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ" do Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ thực hiện từ năm 2014 đến nay, với các hoạt động tăng cường nguồn nước sạch cho vùng ven, vùng nông thôn qua các điểm thu gom sử dụng nước mưa; mở rộng nghiên cứu kỹ thuật thu gom, quản lý và xử lý nước mưa để triển khai ứng dụng cho người dân, cơ quan, trường học... Dự án tránh lãng phí nguồn nước sạch, sử dụng nguồn nước hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường.

Kế hoạch ứng phó BĐKH tại TP Cần Thơ đến năm 2030 được xác định bằng các hoạt động công trình và phi công trình. Qua đó, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động, trên cơ sở áp dụng tính toán chi phí lợi ích có quan tâm môi trường; tập trung xây dựng nền kinh tế xanh, lấy hoạt động ứng phó BĐKH làm động lực cơ bản để phát triển kinh tế, tăng cường mức sống, sinh kế người dân, và ngược lại, lấy tăng cường thu nhập người dân, gia tăng tích lũy, phát triển kinh tế - xã hội để củng cố năng lực ứng phó cho cộng đồng. Các hành động, dự án thích ứng được lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư thực hiện… Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Với kế hoạch này, thành phố sẽ tranh thủ nguồn kinh phí từ Trung ương và nguồn tài trợ từ tổ chức quốc tế để thực hiện ứng phó BĐKH thời gian tới...".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết