07/12/2016 - 21:43

Hợp tác để “giữ chân” doanh nghiệp Hàn Quốc

ĐBSCL là thị trường tiềm năng và TP Cần Thơ là điểm đến mới nổi với nhiều lợi thế nên các nhà đầu tư từ Hàn Quốc tìm đến Cần Thơ ngày càng nhiều. Những hoạt động kết nối hợp tác đầu tư thông qua các tổ chức xúc tiến, Hiệp hội Doanh nghiệp của TP Cần Thơ và Hàn Quốc… đã đưa doanh nghiệp hai phía đến gần nhau hơn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên những lĩnh vực thế mạnh. Chính quyền thành phố cũng quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để "giữ chân" các nhà đầu tư Hàn Quốc.

* Kết nối đầu tư

Khi Dự án Vườn ươm Công nghệ-Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP) chính thức đi vào hoạt động, Cần Thơ tiếp đón rất nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Các doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng đầu tư vào Cần Thơ và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ông Kang Jong Sang, Giám đốc điều hành Công ty Han Sung (Hàn Quốc), cho biết: Công ty Han Sung đang đặt văn phòng làm việc tại KVIP và đang nghiên cứu xây dựng nhà máy tại TP Cần Thơ để sản xuất xe phun xịt dung dịch, thiết bị xe nâng phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các thiết bị máy nông nghiệp này, công ty không thể sản xuất toàn bộ chi tiết nên rất cần tìm kiếm đối tác phù hợp để cung cấp linh kiện cũng như tìm đối tác hợp tác liên doanh đầu tư nhà máy và cùng phát triển thị trường.

Doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu về sản phẩm màn hình cảm ứng tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ.

Không chỉ tìm đối tác tại Cần Thơ để phân phối sản phẩm ra thị trường ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc còn mong muốn đầu tư nhà máy tại Cần Thơ để tận dụng lợi thế nguồn lao động dồi dào, địa điểm đầu tư năng động, nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu sản phẩm ra các nước trên thế giới. Theo ông Lee Beom Jae, Giám đốc điều hành Công ty Young Tech (Hàn Quốc), Công ty Young Tech chuyên sản xuất và phân phối màn hình cảm ứng, thiết bị điều khiển tự động, máy điều hòa không khí, kinh doanh mỹ phẩm. Đối với sản phẩm màn hình cảm ứng và máy lọc không khí, công ty đã đăng ký bản quyền sáng chế toàn cầu và đang có kế hoạch đầu tư nhà máy tại Việt Nam. "Ở giai đoạn 1, chúng tôi tập trung tìm hiểu thị trường ĐBSCL và Việt Nam nói chung; giai đoạn 2 là tìm địa điểm phù hợp để xây dựng nhà máy. Sản phẩm của công ty sẽ phục vụ cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản. Tôi đã đến TP Cần Thơ 2 lần và rất quan tâm đến môi trường đầu tư của thành phố. Trước mắt, chúng tôi tìm kiếm đối tác để phân phối và phát triển sản phẩm; đồng thời nghiên cứu đến khả năng đầu tư xây dựng nhà máy tại Cần Thơ"-ông Lee Beom Jae cho biết.

Lĩnh vực đầu tư từ Hàn Quốc vào Cần Thơ ngày càng đa dạng và phù hợp với nhu cầu cũng như thế mạnh của thành phố. Ông Jung Sun Hee, Giám đốc điều hành Công ty Smart Environment (Hàn Quốc), cho biết: Công ty chuyên thiết kế, tư vấn, vận hành ủy thác đối với các dự án về môi trường. Do đó, chúng tôi mong muốn hợp tác với TP Cần Thơ và các doanh nghiệp của thành phố trong các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường nước, không khí. Bởi vấn đề môi trường không chỉ có tác động đến cuộc sống hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.

* Đồng hành cùng nhà đầu tư

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 9 dự án có vốn đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 247 triệu USD. Trong đó có thể kể đến những dự án nổi bật như: Dự án Nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao do Công ty Tae Kwang làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 171 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 62,2 triệu USD; Dự án của Chi nhánh Công ty TNHH Lotteria Việt Nam tại Cần Thơ về chế biến, kinh doanh thực phẩm và đồ uống với vốn đầu tư đăng ký hơn 565.000 USD; Dự án sản xuất dụng cụ thể thao, trò chơi điện tử của Công ty TNHH SAM WON VINA Việt Nam tại Cần Thơ với vốn đầu tư 200.000 USD. Doanh nghiệp Hàn Quốc đến Cần Thơ ngày càng nhiều. Lẽ đó, thành phố cũng xác định những giải pháp cần thiết để đón đầu làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc. Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết: "Để tăng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, thành phố tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính: Hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường đầu tư minh bạch và thông thoáng; hoàn chỉnh hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức đầu tư BP, BOT, PPP…, tăng cường đầu tư hệ thống dịch vụ, giải trí".

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ và cải thiện môi trường đầu tư, thành phố sẽ tập trung vận hành hiệu quả Dự án Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ, tạo điều kiện ươm tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và đổi mới công nghệ. Tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Đặc biệt chú trọng các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư sau khi cấp phép, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả.

Trong lần gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc khi đoàn sang kết nối đầu tư tại Cần Thơ vào giữa tháng 11-2016, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung, cam kết: Thành phố đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối và thu hút đầu tư từ Hàn Quốc và sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư bằng các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp. Các sở, ngành chức năng thành phố sẽ tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục đầu tư cần thiết. Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn Chính phủ Hàn Quốc có các chương trình hỗ trợ cho thành phố về đào tạo nguồn nhân lực, các chương trình giảng dạy tiếng Hàn cho các chuyên viên đến từ các sở, ngành hữu quan nhằm tháo dỡ các rào cản về ngôn ngữ và hỗ trợ tốt hơn cho các nhà đầu tư khi đến với thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết