Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, việc mở rộng hợp tác và triển khai đào tạo chương trình theo chuẩn quốc tế ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ là nền tảng để nâng cao vị thế.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong một buổi học. Lớp do trường liên kết với Học viện Chisholm - Úc đào tạo. Ảnh: CTV
Đón đầu hội nhập
Hội thảo “Học tiếng Nhật và cơ hội việc làm cho sinh viên” do Trường Đại học (ĐH) Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ phối hợp với Công ty TNHH Đào tạo và Thương mại Dịch vụ Minh Tú và Học viện Okayama vừa tổ chức rất thiết thực. Gần 200 sinh viên của trường được giải đáp thắc mắc về nhu cầu nhân lực chất lượng cao để xuất khẩu lao động. Từ đó giúp sinh viên có tâm thế chuẩn bị chu đáo các điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc hoặc du học bậc học cao hơn. Nguyễn Công Danh, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử của trường, cho biết: Hội thảo rất hữu ích vì giúp tôi hiểu thêm môi trường học tập, làm việc ở nước ngoài. Trần Chí Thiện, sinh viên năm cuối của trường, cho rằng sinh viên chuẩn bị ra trường là lực lượng lao động có tiềm năng xuất khẩu lao động; bản thân Thiện cũng xác định học thêm ngoại ngữ và nếu có được chứng chỉ tiếng Nhật (N5) thì có cơ hội tìm việc cao hơn.
Thạc sĩ Tất Thiên Thư, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: Năm 2019 là năm đầu tiên trường tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ tiếng Nhật (N5-N4). Hội thảo này nhằm giúp các sinh viên hiểu hơn cũng như có cơ hội cọ xát thị trường lao động Nhật Bản nếu có nhu cầu. Theo Tiến sĩ Trương Minh Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, qua số liệu của Chính phủ Nhật Bản, tính riêng ngành Xây dựng, dự kiến đến năm 2025 sẽ thiếu hụt 780.000 đến 930.000 lao động. Sinh viên sẽ có cơ hội làm việc lương cao trong các doanh nghiệp Nhật Bản, nếu đủ tiêu chuẩn chuyên môn, tiếng Nhật. Nếu sinh viên cố gắng học tiếng Nhật thì sẽ mất khoảng một năm để đạt chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp Nhật. “Sắp tới, trường tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế. Dự kiến, trường ký kết ghi nhớ đối tác Nhật vào tháng 3-2019 về việc thành lập Trung tâm Nhật ngữ tại trường; hợp tác công ty Minh Tú để đào tạo tiếng Nhật”, Tiến sĩ Quang nói thêm.
Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ năm nay có thêm 3 ngành học mới là Ngôn ngữ Anh, Khoa học dữ liệu và Logistics - Quản lý chuỗi cung ứng. Đây là những ngành phục vụ chiến lược phát triển đào tạo của trường cũng như trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu nhân lực giai đoạn hội nhập quốc tế.
Tương tự, trong 21 ngành đào tạo ĐH của Trường ĐH Nam Cần Thơ, có ngành Quản trị kinh doanh (liên kết với ĐH Khoa học - Công nghệ Malaysia). Trường dự kiến năm nay sẽ có thêm ngành Cơ khí động lực, vốn đang được thị trường lao động ưa chuộng. Còn với Phân hiệu ĐH FPT (thuộc Tập đoàn FPT) thì trong số 10 ngành đào tạo ĐH tại đây, các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh… được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Những hoạt động thiện nguyện của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ và Trường Đại học SoonChunHyang (Hàn Quốc) tại Trường Tiểu học Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, tạo thêm môi trường giao lưu văn hóa quốc tế. Ảnh: CTV
Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ hiện có 8 ngành đào tạo ĐH theo chuẩn quốc tế. Dự kiến đến năm 2030, trường sẽ mở thêm 18 ngành ĐH chính quy; trong đó tập trung mở rộng các ngành theo chuẩn quốc tế. Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường đã, đang nâng chất các chương trình đào tạo, chú trọng chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình theo chuẩn quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Với vị thế trung tâm đồng bằng, TP Cần Thơ đã và đang đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hoa Kỳ… Xu thế này đòi hỏi các trường ĐH, cao đẳng phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong hoạt động quản lý, đào tạo; mở rộng ngành nghề đào tạo hướng đến chuẩn quốc tế. Đơn cử, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu học tập ở nước bạn; xây dựng lộ trình đến năm 2020 sinh viên ra trường phải có ít nhất TOEIC 450 để mở rộng cơ hội tìm việc trong và ngoài nước. Trước mắt, trường mở các lớp giảng dạy tiếng Nhật (hợp tác với Học viện Ngoại ngữ Okayama); dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác với Học viện Máy tính Kobe trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Còn Trường ĐH Cần Thơ là một trong 10 đơn vị ĐH đầu tiên trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn giao nhiệm vụ thí điểm ĐH chương trình tiên tiến ngành Công nghệ sinh học (năm 2006). Sau 13 năm, trường đã có 8 ngành đào tạo ĐH theo chuẩn quốc tế. Đây là nền tảng để trường phấn đấu đến năm 2022, trở thành một trong những trường ĐH hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ), 2 cơ sở ĐH của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và FPT thuộc Tập đoàn FPT; 7 trường và 3 phân hiệu cao đẳng. Quy mô hệ thống giáo dục ĐH, cao đẳng thành phố đứng đầu vùng ĐBSCL. Các trường đã, đang đầu tư nguồn lực để mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo; tập trung đào tạo các ngành nghề đạt chuẩn quốc tế. Phần lớn các trường đều có đào tạo hoặc liên kết đào tạo các ngành nghề theo chuẩn quốc tế. |
Xu hướng hợp tác quốc tế cũng lan tỏa mạnh mẽ trong các trường cao đẳng qua việc cùng đối tác ngoài nước đào tạo chương trình chuẩn quốc tế; hoặc đa dạng hóa hoạt động giao lưu trao đổi sinh viên. Bên cạnh duy trì đào tạo các ngành tăng cường tiếng Anh, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ ký kết hợp tác đào tạo với Công ty CICS và Tập đoàn Bệnh viện Narahigashi (Nhật Bản) dạy tiếng Nhật chuyên ngành cho sinh viên; liên kết đào tạo chương trình Lão khoa tiên tiến của y tế thế giới từ các trường, bệnh viện ở Nhật để giảng dạy sinh viên ngành Điều dưỡng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, trường trở thành một trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đa cấp, đa ngành tại ĐBSCL. Từ năm 2017 Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ liên kết với Học viện Chisholm (Úc) đào tạo thí điểm 2 nghề cấp độ quốc tế và hiện tiếp tục liên kết đào tạo với Cộng hòa Liên bang Đức...
Tuy chưa có chương trình đào tạo mang chuẩn quốc tế riêng, nhưng 3 năm qua (2016-2018), hợp tác quốc tế ở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ phát triển mạnh khi làm việc với 27 lượt đoàn khách nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…); ký kết 1 Ý định thư hợp tác với ĐH SoonChunHyang - Hàn Quốc... Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo của trường. Trường tiếp tục củng cố các mối quan hệ hiện có, triển khai các nội dung đã ký kết với các đơn vị nước ngoài; mở rộng hợp tác với các đối tác mới. Từ đó triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cho thành phố thuộc “Dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo tiếng Nhật và xây dựng Nông trường kiểu mẫu”, do trường hợp tác với Công ty TNHH Kết nối Tokyo - Hà Nội thực hiện.
B.Kiên