28/02/2018 - 21:18

Hợp lực nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo 

Là huyện thuần nông, có thế mạnh đặc biệt về cây lúa, ngành chức năng huyện Thới Lai  luôn định hướng nông dân sản xuất sao cho hiệu quả, bền vững thông qua mối liên kết “4 nhà”. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn cũng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực xay xát, chế biến lúa gạo; cung ứng dịch vụ nông nghiệp… góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Lãnh đạo thành phố tham quan Xưởng sửa chữa lắp ráp gia công cơ khí của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi.Lãnh đạo thành phố tham quan Xưởng sửa chữa lắp ráp gia công cơ khí của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi.

Điểm nhấn trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại huyện Thới Lai phải kể đến là mô hình “Cánh đồng lớn” không ngừng được nhân rộng trong những năm qua. Vụ đông xuân 2017-2018, “Cánh đồng lớn” trên địa bàn huyện mở rộng với diện tích hơn 9.901ha, đạt 100,53% kế hoạch (9.850ha). Song song đó, ngành nông nghiệp huyện Thới Lai còn tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm định hướng nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong đó, đáng kể nhất là Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ” (VnSAT) với mô hình “Cánh đồng lúa sạch”.

Mô hình “Cánh đồng lúa sạch” tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi, xã Trường Xuân và Hợp tác xã Trường Thắng, xã Trường Thành có quy mô 1.056 ha. Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi, cho biết: “Mô hình “Cánh đồng lúa sạch” được phát triển trên nền tảng mô hình “Cánh đồng lớn” trước đó. Hoạt động sản xuất lúa hướng đến sản xuất sạch hơn, tăng trưởng xanh; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa hợp tác xã và doanh nghiệp; đảm bảo vùng sản xuất không rác thải thuốc bảo vệ thực vật và không gây ảnh hưởng môi trường. Tham gia mô hình này, nông dân điều chỉnh kỹ thuật sản xuất lúa thông qua áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh… nên không chỉ tiết giảm được tối đa chi phí đầu tư mà còn tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”.

Cùng chung tay hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, Công ty TNHH Lương thực Ngọc Lợi có nhiều nỗ lực, giải pháp trong việc đưa hạt gạo đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Ngọc Lợi, chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên về chế biến gạo với mặt hàng sản xuất chủ lực là gạo thơm chất lượng cao.  Sau gần 3 năm hoạt động, chúng tôi dần tạo được uy tín ở thị trường nội địa, mang đến cho người tiêu dùng những hạt gạo thơm ngon, chất lượng cao. Công ty mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất gạo tiêu chuẩn xuất khẩu (bao gồm cả hệ thống xay xát, lò sấy, kho chứa phụ phẩm…) với tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng.  Với dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng bộ, chúng tôi chủ động điều tiết được sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đây là những nền tảng quan trọng để công ty tiếp tục phát triển lên tầm cao mới ở thị trường nội địa và dần chinh phục, mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước”.

Những kết quả ban đầu đạt được là vậy. Song theo phản ánh từ một số doanh nghiệp, đơn vị, sự phát triển ngành lúa gạo của huyện vẫn còn nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền. Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi, hiện nay trạm bơm của hợp tác xã sử dụng máy bơm dầu thô sơ, công suất thấp, chi phí cao; kho, bãi chứa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sấy, tạm trữ lúa. “Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư các trạm bơm điện, cống đập cố định để phục vụ cho xã viên và yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ thêm lò sấy lúa và kho tạm trữ để khâu thu hoạch lúa không bị ứ đọng, nông dân yên tâm chờ giá ổn định mới xuất bán” - ông Đào Minh Tuấn đề nghị. Hiện một số nông dân vẫn duy trì tập quán canh tác cũ, sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật không theo quy trình gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong khâu thu mua, thực hiện hợp đồng. Do đó, ngành chức năng địa phương cần phát huy tốt vai trò “chất kết dính” trong mối liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân; thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân hiểu và đồng lòng thực hiện...

Mới đây, trong chuyến thăm một số doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Lai nhân dịp đầu năm mới, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ ghi nhận những kết quả và sự đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị. Đồng thời, yêu cầu tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa “4 nhà” từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.  Cùng với sự hỗ trợ từ phía huyện, thành phố, mỗi đơn vị cần nỗ lực, phát huy nội lực để vượt khó, tìm giải pháp thích ứng với tình hình mới, từ đó đóng góp vào sự phát triển ngành lúa gạo của thành phố nói chung và huyện Thới Lai nói riêng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết