24/07/2009 - 08:30

Hội thảo “Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ”

* Bàn giải pháp “Đón đầu cơ hội thời hậu khủng hoảng”

Hơn 100 đại biểu là nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước đã đến tham dự Hội thảo “Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ” do Hiệp hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức tại Hà Nội ngày 23-7.

Theo đánh giá của Hội thảo, việc Chính phủ đã thực hiện gói kích cầu trị giá 1 tỉ USD và đưa ra gói kích cầu 2 trị giá 8 tỉ USD nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn suy thoái, sản xuất và kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn là rất cần thiết. Các chính sách điều hành vĩ mô và các gói giải pháp kích cầu đã tác động tích cực đến toàn nền kinh tế và đến hoạt động của các doanh nghiệp. Gói kích cầu thứ nhất bằng hỗ trợ lãi suất (1 tỉ USD), bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực cho cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tính đến thời điểm ngày 16-7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt trên 377.694 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Việc tiến hành gói kích cầu thứ 2 trị giá 8 tỉ USD cần thận trọng, kiềm chế và có kiểm soát...

Thông điệp được đưa ra Hội thảo là: Để nền kinh tế nước ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và chuẩn bị cho thời cơ mới khi kinh tế thế giới phục hồi đang phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chính sách nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp.

* Ngày 23-7, tại TP Hồ Chí Minh, gần 300 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã tham dự Hội thảo về “Đón đầu cơ hội thời hậu khủng hoảng” do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung đánh giá lại nội lực của kinh tế Việt Nam, dự báo chỉ số VN-Index đến cuối năm 2009, định hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp... thảo luận, đúc kết giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp và cho thị trường.

Về phát triển doanh nghiệp Việt Nam sau khủng hoảng, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Các doanh nghiệp cần thực hiện chiến lược tìm kiếm và tận dụng các nguồn lực ở bên ngoài; có chiến lược sách lược thị trường và bạn hàng khôn ngoan, linh hoạt, phối hợp nội bộ tốt; phát huy vai trò các hiệp hội, các liên kết trong nước; kết nối và phát huy lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài; sẵn sàng đối phó với các tranh chấp thương mại, kể cả chủ động tự bảo vệ và tấn công khi cần. Mặt khác, cần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng và sáng tạo; xây dựng những thương hiệu mạnh; mở rộng và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa; thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng đầu tư ra bên ngoài.

MINH CHÂU - HÀ HUY HIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết