03/05/2021 - 06:09

Học sinh vẽ tranh bằng gạo 

“Tranh gạo và hướng phát triển” của nhóm học sinh Võ Thị Vân Anh và Trần Nguyễn Thanh Thảo, Trường THCS Thường Thạnh (quận Cái Răng) là dự án vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học, năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức.

Cô Minh Trúc và Vân Anh (bìa trái), Thanh Thảo (bìa phải) xem lại các bức tranh gạo đã thực hiện.

Cô Minh Trúc và Vân Anh (bìa trái), Thanh Thảo (bìa phải) xem lại các bức tranh gạo đã thực hiện.

Lấy những tác phẩm tranh gạo trong khuôn khổ dự án để giới thiệu, Vân Anh và Thanh Thảo nâng niu từng bức tranh, tận tâm giới thiệu về nội dung, cách làm. Hơn 20 bức tranh thuộc nhiều chủ đề: danh lam thắng cảnh Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam, hoa sen... hay là những chủ đề gần gũi với tuổi thiếu niên như một ly kem, một chú mèo nhỏ, một đôi giày mới, một nàng công chúa dễ thương... Dĩ nhiên, nếu so về độ sắc sảo thì không thể bì với những nghệ nhân kỳ cựu nhưng nét hồn nhiên, sự tỉ mẫn, tâm huyết của 2 học sinh (Thảo học lớp 8 và Vân Anh học lớp 9) thể hiện rõ trong từng bức tranh.

Vân Anh cho biết: Từ nhỏ em đã thích hội họa, lại yêu cảnh thiên nhiên đồng ruộng nên nghĩ đến việc dùng gạo làm tranh. Thanh Thảo cũng có chung niềm đam mê nên hai em bắt tay thực hiện dự án với sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình từ Ban Giám hiệu và giáo viên hướng dẫn. Cô Đặng Thị Minh Trúc, giáo viên hướng dẫn, chia sẻ: “Dự án làm tranh gạo đã được ấp ủ nhiều năm, với sự ủng hộ từ vật chất đến tinh thần của Ban Giám hiệu cũng như tâm huyết của Vân Anh và Thanh Thảo, dự án được thực hiện hiệu quả”.

Vân Anh và Thanh Thảo đam mê tranh gạo từ khi được giáo viên mỹ thuật lồng ghép vào các tiết học. Thay vì dạy vẽ màu nước, màu sáp hay tranh xé giấy... thì các cô chọn dạy làm tranh gạo. Vân Anh và Thanh Thảo được dạy cách tạo màu từ hạt gạo bằng phương pháp rang trên chảo, rồi cách vẽ bố cục, gắp từng hạt gạo lấp đầy tranh với sự gia giảm màu sắc phù hợp. Tình yêu tranh gạo lớn dần trong lòng hai cô học trò nhỏ.

Trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học, có tiêu chí về việc dự án khả thi, được áp dụng rộng rãi, có tính lan tỏa trong cộng đồng. Với sự giúp đỡ của giáo viên, Vân Anh và Thanh Thảo đã đáp ứng tốt tiêu chí này bằng cách trong các tiết học mỹ thuật, hai em cùng với cô hướng dẫn các bạn học sinh khác làm tranh gạo. Nhiều bạn học sinh khối lớp 8 và lớp 9 vì vậy mà đam mê tranh gạo lúc nào không hay. Cô Đặng Thị Minh Trúc nói: “Nhiều phụ huynh kể rằng, nhiều em trước đây khi đi học về hay chơi game hoặc lướt mạng xã hội trên điện thoại nhưng nhờ có tranh gạo mà các em quên dần thói quen cũ. Chẳng vậy, cha mẹ, các anh chị trong gia đình cũng mê tranh gạo lúc nào không hay, cả nhà cùng quây quần để hoàn thành tác phẩm”.

Em Thanh Thảo, đồng tác giả dự án, chia sẻ: “Trong các bức tranh gạo đã làm, em thích nhất bức làm chữ “Nhẫn”. Đó cũng là đức tính cần có khi làm tranh gạo”. Quả vậy, trẻ em vốn ham vui, thiếu kiên nhẫn nên việc ngồi hàng giờ để gắp từng hạt gạo làm tranh không phải ai cũng làm được. Tranh gạo đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và tính kiên nhẫn. Theo cô Minh Trúc, dự án tranh gạo sẽ tiếp tục được thực hiện. Khi sản phẩm đã nhiều thì có thể mang bán gây quỹ thiện nguyện hoặc hỗ trợ các em khởi nghiệp để có thêm động lực gắn bó với tranh gạo.

Là trường vùng ven của TP Cần Thơ nhưng những năm qua, Trường THCS Thường Thạnh là điển hình trong phong trào sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học đường. Nhiều năm liền, học sinh của trường đạt các giải cao cấp thành phố và toàn quốc với các dự án, giải pháp mới lạ, khả thi, tính ứng dụng cao. Thế mạnh của nhà trường là các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường và có thể phục vụ tiện ích sinh hoạt. Điển hình là tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm học 2018-2019, học sinh của trường là Lê Thị Huyền Trân cùng nhóm học sinh quận Cái Răng đã xuất sắc đoạt giải Nhì với đề tài “Bộ tranh đa chất liệu” - tranh được làm từ bã mía và bã cà phê.

Thầy Lê Văn Út, Hiệu trưởng Trường THCS Thường Thạnh, cho biết: “Khi các em có ý tưởng đề tài, dự án, nhà trường đều cử giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ tối đa để các em thực hiện. Nhà trường xác định việc khuyến khích các em tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật không chỉ vì giải thưởng mà giúp các em có thêm kỹ năng, ứng dụng kiến thức đã học, học hỏi kiến thức mới. Đó cũng là nền tảng để các em xác định đúng sở trường, giúp việc phân ban dễ dàng hơn khi vào bậc THPT”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết