27/09/2014 - 16:35

Trung Quốc

Học sinh bị ép làm việc cho các nhà máy công nghệ

Trùng Khánh, đô thị lớn nhất phía Tây Nam Trung Quốc, đã trở thành trung tâm của các "nhà máy học sinh"- xuất phát từ việc nhiều trường dạy nghề đang gửi hàng ngàn thực tập sinh đến các nhà máy chuyên nhận lắp ráp thiết bị điện tử cho các thương hiệu công nghệ lớn trên thế giới.

Nhiều thực tập sinh phải làm việc tới 12 giờ/ngày và 6 ngày/tuần trong các nhà máy gia công cho các hãng công nghệ của Mỹ như HP hay Apple mà không học tập được điều gì bởi chỉ lặp đi lặp lại những thao tác đơn giản. Đáng nói là họ không có lựa chọn nào khác. "Tôi đột nhiên được thông báo phải dành cả mùa hè để lắp ráp máy tính hoặc là sẽ không được tốt nghiệp" - Xiao, nữ sinh đang theo học tại một trường dạy nghề địa phương, cho biết. "Tôi cảm thấy như mình đã bị lừa"- cô gái 16 tuổi bức xúc.

Công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp của Pegatron tại Trùng Khánh. Ảnh: Eva Dou

Tùy theo từng trường, mỗi học viên phải thực tập từ 3 tháng đến 1 năm. Việc họ đi thực tập tại nhà máy nhận được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục Trung Quốc, khi bộ này hồi năm 2010 nói rằng các trường dạy nghề phải cung cấp thực tập sinh để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các nhà máy. Theo thống kê của bộ này, có ít nhất 8 triệu thực tập sinh như vậy mỗi năm.

Thông thường, các nhà máy phải trả từ 500 đến 1.000 Nhân dân tệ (NDT) cho người môi giới lao động khi họ cung cấp một thực tập sinh. Nhưng việc làm này vẫn giúp họ tiết kiệm không ít do giảm được đáng kể số tiền buộc phải đóng bảo hiểm và các chi phí khác dành cho đối tượng lao động thường xuyên. Trong khi đó, một số thực tập sinh cho hay họ được trả gần bằng mức lương của công nhân thường xuyên là 1.300 NDT/tháng, nhưng nhiều người nói rằng đã phải trả gần hết khoản tiền đó cho trường.

Luật pháp Trung Quốc quy định các thực tập sinh chỉ làm việc 8 tiếng/ngày và không làm ca đêm, và các trường phải bố trí học viên đi thực tập liên quan đến chuyên ngành. Tuy nhiên trên thực tế, những quy định trên đều bị các nhà máy phớt lờ. Công ty Wistron (một trong những nhà gia công của HP) và Pegatron (gia công cho tập đoàn công nghệ Nhật Toshiba và hãng máy tính Đài Loan Asustek) thừa nhận rằng các thực tập sinh đôi lúc phải làm việc nhiều giờ hơn so với quy định dành cho lứa tuổi. Pegatron còn cho biết 30% nhân công của họ là thực tập sinh trong khi tại một số nhà máy khác con số đó thậm chí vượt 50%.

Lâu nay, Trung Quốc dựa vào lực lượng lao động nhập cư để cung ứng nhân lực cho các nhà máy khu vực duyên hải. Nhưng trong thời gian gần đây, chính phủ nước này bắt đầu chú trọng phát triển công nghiệp cho các địa phương sâu trong nội địa. Hệ quả là Trùng Khánh đã chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu nhân công khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử đồng loạt chuyển về đây. Tuy nhiên, do mức lương tối thiểu thấp nên nhiều lao động nhập cư ngại tới đây làm việc, dẫn đến việc thiếu hụt nhân công và vấn nạn bóc lột sức lao động của thực tập sinh như hiện nay.

NGUYỆT CÁT (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết