09/02/2017 - 20:09

Học cách lắng nghe

Nguyễn Minh Huy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Cần Thơ), than thở: "Trong nhóm thuyết trình của mình có bạn thường xuyên bảo vệ quan điểm của mình, dù tất cả thành viên đều không tán thành. Tôi nhiều lần nhắc khéo nhưng bạn ấy luôn làm lơ…". Không riêng trường hợp mà Huy kể, nhiều bạn trẻ lầm tưởng những người giao tiếp giỏi là những người có kỹ năng nói tốt mà quên rằng sự lắng nghe mới có thể giúp mỗi người xây dựng mối quan hệ, biết tôn trọng và dễ tạo lòng tin với người khác…

Quá đề cao "cái tôi" cá nhân

Kỹ năng giao tiếp bao gồm kỹ năng lắng nghe giúp bạn trẻ học tập, giải quyết công việc tốt hơn. Ảnh mang tính minh họa 

Ngọc Hà – sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ, bắt đầu học kỳ mới, theo yêu cầu của giảng viên, các sinh viên đều phải tham gia một nhóm thuyết trình để làm bài tập, báo cáo trước lớp. Trong khi bạn bè đều đã có nhóm, thì Hà vẫn còn "chờ" các thành viên một nhóm (mà Hà xin tham gia) thảo luận, quyết định. Sở dĩ có sự chần chừ đó là vì Hà khá tự cao, ít chịu tiếp thu ý kiến người khác trong quá trình thảo luận nhóm. Nguyễn Minh Huy, bạn chung lớp với Hà, bộc bạch: "Bạn ấy xin vào nhóm, mình từ chối thì cũng ngại. Ngặt nỗi bạn ấy nói nhiều, quá đề cao năng lực bản thân nên những ý kiến đóng góp đều bị bạn ấy phản bác mà không có lý do thuyết phục". Huy kể, một lần trong quá trình thảo luận làm bài tập, ý kiến của Hà không được các thành viên nhóm thống nhất đưa vào thuyết trình trước lớp. Qua góp ý của bạn bè, cô cũng gật đầu tỏ vẻ đồng ý, nhưng khi thuyết trình Hà vẫn bảo vệ qua điểm cá nhân, đưa nội dung mình soạn vào bài thuyết trình. Kết quả số điểm dành cho phần báo cáo thuyết trình của nhóm không được đánh giá cao, khiến mọi người bức xúc.

L. làm Chủ nhiệm một câu lạc bộ (CLB) tình nguyện. CLB đã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn hỗ trợ trẻ em nghèo, như: Diễn văn nghệ gây quỹ, quay video clip tải lên mạng để kêu gọi mọi người giúp đỡ các cảnh đời bất hạnh… Nhờ hoạt động đa dạng nên CLB thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, chỉ được hơn nửa năm, nhiều thành viên không còn "mặn mà" tham gia sinh hoạt CLB nữa. Nguyễn Thanh Thảo, nhân viên tư vấn thiết kế xây dựng ở quận Ninh Kiều (thành viên CLB), chia sẻ: "Tôi muốn góp sức nhỏ vào hoạt động thiện nguyện nhưng hầu như L. không tin ai cả và cũng không chấp nhận ý tưởng nào nếu đó không phải là ý tưởng do cô đề xuất. Thái độ của L. khiến tôi có cảm giác không được tôn trọng và thấy bản thân không giúp ích cho CLB nên xin rút khỏi CLB".

Giúp sinh viên rèn kỹ năng

Theo anh Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Đô, đến nay, Hội Sinh viên trường đã thành lập 19 liên chi hội (LCH) và CLB sinh viên. Bên cạnh các LCH sinh viên theo tỉnh, thành, có nhiều CLB học thuật, rèn luyện kỹ năng sống, như: CLB Nguồn tri thức, Thủ lĩnh trẻ, Sứ giả xanh, Thông tin – Việc làm, Nghệ thuật và Giọt máu hồng. Các LCH và CLB sinh viên thường xuyên tổ chức những hoạt động vừa tạo sân chơi lành mạnh vừa giúp sinh viên rèn kỹ năng giao tiếp. Nguyễn Quan Thoại, sinh viên ngành Dược chia sẻ: "Chuyện tranh luận, đôi lúc mâu thuẫn với bạn bè là điều thường xuyên xảy ra trong học tập, cũng như các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, nhờ lắng nghe ý kiến bạn bè, mình hạn chế những sai sót, học hỏi điều hay, tiến bộ hơn trong học tập".

Trần Hoàng Thảo Nguyên, sinh viên ngành Khoa học máy tính (Trường Đại học Cần Thơ), thành viên nhóm thiện nguyện 500+ cho rằng, với vai trò cán bộ Đoàn – Hội hoặc "thủ lĩnh" một nhóm sinh viên cần biết lắng nghe, đưa ra những quyết định hợp lý nhất để tổ chức hoạt động hiệu quả. Lắng nghe, đánh giá nhau sẽ giúp các thành viên trong nhóm hiểu nhau và làm việc hiệu quả hơn. Với các hoạt động xã hội, việc lắng nghe những phản ánh, nguyện vọng của cộng đồng cũng sẽ giúp các chương trình phù hợp và thu hút nhiều người tham gia góp sức. Theo Thảo Nguyên, với tinh thần cầu thị, các thành viên quản lý đã thu hút hàng trăm sinh viên tham gia tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với nhiều hình thức phong phú. Tiêu biểu như: bán vé xem ca nhạc, tổ chức văn nghệ gây quỹ, bán hàng lưu niệm…

Để giúp bạn trẻ nâng cao kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng giao tiếp, thời gian qua, các cấp Hội Sinh viên TP Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ còn tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ năng cho sinh viên. Một số cán bộ Đoàn khuyên rằng, bản thân người trẻ cần tự trau dồi kỹ năng giao tiếp, đặc biệt "nói ít nghe nhiều" vì điều đó vừa thể hiện sự tôn trọng, cầu thị, vừa giúp mỗi người tạo dựng mối quan hệ và xử lý công việc hiệu quả hơn…

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết