22/04/2022 - 23:47

Hoàng Anh Gia Lai “đi một ngày đàng” ở AFC Champions League 

Sau 3 trận đấu lượt đi bảng H AFC Champions League, đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông bầu Đoàn Nguyên Đức không tạo được bất ngờ về thứ hạng trước những đối thủ lớn gồm: Jeonbuk Hyundai Motors FC (Hàn Quốc), Yokohama Marinos (Nhật Bản) và FC Sydney (Úc), nhưng đã gây ấn tượng với những trận cầu sòng phẳng về lối chơi.

Một pha tổ chức đá phạt góc nguy hiểm của các cầu thủ HAGL trước khung thành của Yokohama Marinos (áo trắng). Ảnh: Nguyễn Minh

Một pha tổ chức đá phạt góc nguy hiểm của các cầu thủ HAGL trước khung thành của Yokohama Marinos (áo trắng). Ảnh: Nguyễn Minh

Đến sân Thống Nhất dự khán trận đấu trong khuôn khổ AFC Champions League những trận vừa qua mới thấy được sự hâm mộ của người yêu bóng đá Việt Nam dành cho đội bóng phố núi. Hơn 12.000 người đã đến sân ủng hộ thầy trò HLV Kiatisak, tạo không khí sôi động cuồng nhiệt với những làn sóng người cuồn cuộn khắp các khán đài mỗi khi HAGL lên bóng tấn công. Cầu trường như nổ tung khi các chân sút của đội bóng phố núi ghi bàn thắng vào lưới Yokohama hay Sydney trong 2 trận đầu. HAGL thi đấu trên sân Thống Nhất của TP Hồ Chí Minh nhưng có thể xem như sân nhà, khi mà khán giả biết rõ vị trí của từng cầu thủ, kể cả cầu thủ dự bị. Một vài vị trí của HAGL thi đấu trên sân không tốt hoặc có biểu hiện tâm lý, liền nhận được sự ủng hộ, cổ vũ từ khán đài. Có lẽ, sự cuồng nhiệt từ “cầu thủ thứ 12” giúp các cầu thủ HAGL có thêm sức mạnh thi đấu bền bỉ trong suốt 90 phút trên sân với cường độ cao, một điều hiếm thấy khi họ thi đấu tại V.League.

Đội bóng của bầu Đức tái ngộ đấu trường AFC Champions League đã để lại ấn tượng đẹp. HLV Kiatisak đã chọn cách chơi sòng phẳng với các đối thủ được đánh giá cao hơn, chứ không giành chiến thắng bằng mọi giá với lối chơi bạo lực. 

Nhớ lại vào năm 2004 và 2005, nhà vô địch V.League HAGL rất khao khát thử sức mình ở giải châu Á. Bầu Đức khi đó không tiếc tiền đầu tư lớn cho đội bóng phố núi. Họ cũng từng đá tưng bừng để đứng Nhì bảng, sau Đại Liên (Trung Quốc), xếp trên Krung Thai Bank (Thái Lan) và PSM Makassar (Indonesia). Tiếc là năm ấy, mỗi bảng chỉ có một đội đi tiếp. Năm 2005, HAGL rơi vào bảng đấu quá nặng ký gồm Suwon (Hàn Quốc), Shenzhen (Trung Quốc) và Jubilo Iwata (Nhật Bản), nên đá 6 lượt trận không hòa nổi trận nào, ghi có 1 bàn lại để thủng lưới 25 lần.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tinh thần chiến đấu và thái độ nghiêm túc của cầu thủ HAGL khi tiếp cận các trận đấu lớn. HAGL không đá cho vui theo kiểu buông bỏ như hầu hết các đại diện CLB của bóng đá Việt Nam bởi sợ tốn tiền và biết chắc không đủ sức cầm cự với những ông lớn châu Á. Có trận thua đau nhất là năm 2006, khi SHB Đà Nẵng thua một đội bóng của Nhật Bản 0-15, hay các CLB Bình Định, Nam Định, Bình Dương… bị coi như “túi điểm” của các đối thủ.

Dàn cầu thủ HAGL dự giải năm nay phần đông khoác áo tuyển quốc gia và cùng tinh thần cầu thị như xưa. Không bàn về kết quả thi đấu, vì các đội khách đều mạnh hơn hẳn, mà việc HAGL dốc sức đá cống hiến cho khán giả nhà là một dấu son đáng nhớ. Lâu lắm rồi sân Thống Nhất mới lại có cảnh tượng sốt vé khi hàng ngàn lượt người kiên nhẫn xếp hàng chờ mua một số vé hạn chế, đủ thấy sức hút lớn của thầy trò HLV Kiatisak.

Có thể HAGL sẽ không thể vượt qua vòng bảng như mong mỏi của thầy trò HLV Kiatisak, nhưng họ biết “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

MINH - HUY

Chia sẻ bài viết