19/04/2009 - 08:29

Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hoàn thiện cơ chế, pháp luật công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Sáng 18-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tờ trình về Dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình bày đã nêu rõ sự cần thiết phải ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) đều khẳng định nhất quán mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng công tác KBCB nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và quan điểm này cần phải thể chế hóa bằng pháp luật, trong đó có Luật KBCB.

Dự án Luật KBCB gồm 8 chương và 81 điều: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Quyền và nghĩa vụ của người bệnh; Chương III: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Chương IV: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chương V: Các quy định chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; Chương VI: Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Chương VII: Sai sót chuyên môn và giải quyết khiếu nại của người bệnh trong khám, chữa bệnh; Chương VIII: Điều khoản thi hành.

Thảo luận về dự án luật, đa số các ý kiến của các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật KBCB. Việc xây dựng Luật sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động KBCB cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật. Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật của Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng phần lớn các vấn đề trong dự thảo luận là những quy định liên quan đến hành nghề y, để đáp ứng yêu cầu của người dân về nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cần xem xét các vấn đề về y đức của cán bộ y tế, hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông về khám chữa bệnh, điều kiện bảo đảm phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; giữa dự án luật này và Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân có gì trùng nhau hay không...

Về các hình thức tổ chức hành nghề KBCB, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba tán thành với quy định của dự án Luật gồm: bệnh viện, bệnh viện y học cổ truyền; phòng khám bệnh, phòng chẩn trị y học cổ truyền; nhà hộ sinh; cơ sở chẩn đoán; cơ sở dịch vụ y tế và các hình thức tổ chức hành nghề KBCB khác theo quy định của pháp luật và giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hình thức tổ chức hành nghề này thuộc cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Đại biểu cho rằng không cần quy định cụ thể trong dự án Luật hệ thống KBCB của Nhà nước theo mô hình 4 cấp hành chính hiện nay từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm cả trạm y tế cấp xã. Hiện nay, Nhà nước ta đã, đang và sẽ thúc đẩy hoàn thiện mô hình xã hội hóa y tế nên các hình thức tổ chức hành nghề KBCB của Nhà nước sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. Nếu quy định cứng nhắc, cụ thể tất cả các hình thức tổ chức hành nghề KBCB trong luật sẽ rất khó điều chỉnh khi có sự thay đổi.

Xung quanh vấn đề công chức, viên chức y tế hành nghề KBCB tư nhân, đại biểu Lê Thị Thu Ba cho rằng việc quy định cấm công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân là phù hợp. Việc quy định cho phép họ được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các hình thức hành nghề KBCB tư nhân khác sẽ tận dụng được chất xám, kinh nghiệm và phát huy năng lực chuyên môn của thầy thuốc, nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu KBCB ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa y tế...

* Chiều 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bản báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự án Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 bao gồm 34 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức; 20 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị và bổ sung dự án Luật Thủ đô vào Chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: Cần đẩy nhanh, kiên quyết hơn việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra trong công tác xây dựng luật của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh việc thực hiện dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua trong kỳ họp thứ 7 dự kiến vào tháng 10-2010. Dự án Luật Thủ đô là rất cần thiết, nên xếp ở Chương trình chuẩn bị và nếu xét thấy dự án được chuẩn bị tốt, chất lượng đảm bảo, sẽ đưa vào Chương trình chính thức.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII gồm 128 dự án, trong đó Chương trình chính thức có 83 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh và 35 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị. Năm 2008, Quốc hội đã điều chỉnh Chương trình bổ sung 6 dự án luật và 6 dự án pháp lệnh vào Chương trình nhiệm kỳ. Tính đến hết tháng 3-2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua 27 luật và 10 pháp lệnh.

QUỲNH HOA - XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết