29/12/2019 - 12:37

Họa sĩ 83 tuổi kể chuyện kháng chiến bằng tranh 

“Ký họa kháng chiến” là tập sách tranh do NXB Văn hóa - Văn nghệ và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau vừa phối hợp ấn hành. Quyển sách tập hợp tranh ký họa kháng chiến của hai vị họa sĩ kỳ cựu đất Cà Mau là Nguyễn Hiệp và Văn Nhiệm. Họa sĩ Văn Nhiệm đã đi xa cách đây gần 4 năm; còn họa sĩ Nguyễn Hiệp năm nay 83 tuổi, luôn xem những bức tranh sáng tác thời chiến như báu vật.


Tác phẩm họa sĩ Nguyễn Hiệp vẽ cảnh đồn Bàu Chấu bị nhân dân ta san bằng (18-6-1972).

Mới đây, họa sĩ Nguyễn Hiệp gởi đến Báo Cần Thơ bài viết “Trên mặt trận Cần Thơ năm ấy” với những tư liệu rất quý về một thời chiến tranh khói lửa trên mảnh đất Tây Đô. Ông lão 83 tuổi nhưng chữ viết vẫn rắn rỏi, chắc nịch và dòng văn đầy cảm xúc. Với ông, đó là những ký ức không thể nào quên, ông muốn kể lại để thế hệ hôm nay được rõ. Không chỉ viết văn, những khoảnh khắc thời chiến mà ông đã từng chứng kiến, từng vào sinh ra tử, được ông gửi gắm vào những bức tranh ký họa.

Như lời giới thiệu của quyển “Ký họa kháng chiến”, nhiều tranh của họa sĩ Nguyễn Hiệp miêu tả chân thực, rõ nét về cuộc sống của quân và dân ta ở vùng giải phóng; đặc biệt là những tác phẩm có bối cảnh Bệnh xá quân dân y. Tất cả 28 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hiệp được in trong tuyển tập này đều được ông sáng tác trước năm 1975, nhiều tác phẩm đã được đăng trên tạp chí Lúa Vàng (ấn phẩm của Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cà Mau, tiền thân của tạp chí Văn nghệ Cà Mau bây giờ).

Xem tranh ký họa của họa sĩ Nguyễn Hiệp, ta như được thấy một bộ phim sống động của quân và dân thời chiến. Mở đầu là tranh vẽ cảnh một người phụ nữ chằm lá xây dựng Bệnh xá Cà Mau, đề ngày 9-8-1969. Kế đến là hình ảnh một thương binh tay chân băng bó, người đầy vết thương giữa khung cảnh những chang đước dọc ngang của vùng Đất Mũi, được tác giả đề “Khi giặc đánh phá, các thương binh được sơ tán vào rừng”. Đó còn là cảnh sinh hoạt nơi Bệnh xá Cà Mau, cảnh chăm sóc, chữa trị cho thương binh, hay chỉ đơn giản là bữa cơm đơn sơ nơi Bệnh xá… Tất cả được họa sĩ Nguyễn Hiệp vẽ bằng sự xúc động, sẻ chia và tài hoa của người nghệ sĩ.

Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Hiệp còn là tư liệu lịch sử quý báu, giúp thế hệ hôm nay hiểu được một thời gian lao mà anh dũng của cha ông. Bức tranh “Chất độc hóa học Mỹ (rạch Láng, Giáp Nước, tháng 5-1972)” khiến người xem xúc động bởi khung cảnh điêu tàn, cây cối xác xơ do ảnh hưởng của chất độc chết người. Đó cũng là dòng cảm xúc khi xem hàng loạt tranh khác của ông như “Ấp Kiến Vàng, nơi giặc Bình Hưng đốt phá nhà dân (17-5-1972)”, “Ấp Kiến Vàng, huyện Phú Tân nhà bỏ trống lâu năm, bom đạn tan hoang, nơi giặc Bình Hưng thường lui tới gây tai họa (17-6-1972)”, “Bom Mỹ trút xuống ấp Bàu Chấu, nơi trước đây giặc đã chiếm đóng (18-5-1972)”… Tranh của họa sĩ Nguyễn Hiệp còn có những hình ảnh vỡ òa chiến thắng. Đó là hình ảnh đồn Bàu Chấu bị nhân dân ta san bằng (18-6-1972), kho đạn Bàu Chấu bị quân ta đánh, phá hủy, hay là tranh vẽ cảnh đồn Cái Bát, đồn Quản Phú bị quân dân ta tiêu diệt, san bằng...

Những bức tranh ký họa đơn sơ, được vẽ thời đạn bom khói lửa của họa sĩ Nguyễn Hiệp càng xem càng thấy quý. Đó là những bức tranh thắm máu và hoa. Những bức tranh cho thấy cảm quan của một nghệ sĩ thấm nhuần tình cảm của một người con đất mẹ Cà Mau yêu nước, yêu quê hương, xứ sở.

Tuổi 83, họa sĩ Nguyễn Hiệp vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông vẫn thường xem lại những bức ký họa kháng chiến và trân quý. Ông vẫn giữ thói quen của một nhà báo lão thành, viết lách đều đặn. Như lời ông chia sẻ: “Kể chuyện thời chiến coi như mình có công nói lại cho những người đang sống nhớ thêm kháng chiến là ác liệt. Năm mới tuổi 83, Nguyễn Hiệp vẫn thích viết. Viết để nhớ đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống với cuộc chiến tranh tàn khốc…”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết